Ngày 9/11/1946 là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam được thông qua, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I. Ngày 9 tháng 11 với ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc đó đã được Đảng, Nhà nước lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”. Điều đó được ghi nhận trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, khẳng định giá trị, vai trò của Hiến pháp, pháp luật đối với đời sống xã hội, lan tỏa tinh thần dân chủ - pháp quyền, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân.

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thêm một lần nữa nhấn mạnh: “Mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội”.

Để đưa luật vào cuộc cuộc sống, trở thành nếp nghĩ, cách làm của mỗi người dân là điều không dễ khi mà không ngày nào trên mạng xã hội không xuất hiện những vụ án mạng, chiếm đoạt tài sản, giết người, cướp của… Điều này khiến cho mỗi người cảm thấy lo lắng, bất an. Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục Pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng: Bất cứ xã hội nào cũng có hai mặt, bên cạnh mặt tích cực, những con người tốt luôn có ý thức tôn trọng pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân cũng như xã hội thì cũng sẽ có những người vì nhiều mục đích, lý do khác nhau mà vi phạm pháp luật hay có những hành vi vượt qua khỏi khuôn khổ của luật pháp. Chính bởi vậy, trách nhiệm quản lý của nhà nước là phải hạn chế tối đa những hành vi vi phạm pháp luật đó.

Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận việc đầu tư xây dựng và phổ biến pháp luật chưa tương xứng. Không ít vụ buôn lậu ma túy, mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới, rồi tình trạng tảo hôn, hay các vi phạm quy định giao thông... do thiếu hiểu biết về pháp luật. Thậm chí là vi phạm pháp luật còn xảy ra ngay cả với cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ.

Theo ông Lê Vệ Quốc, chúng ta nên có sự nhìn nhận xuyên suốt từ công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật đến việc tổ chức thi hành rồi phổ biến pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. "Trước đây có những vùng trũng về pháp luật, người dân đói nghèo… nhưng bây giờ tất cả vùng trũng đó đã được thu hẹp lại và nhận biết pháp luật của người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên, ý thức tuân thủ pháp luật của một phận người dân đang có vấn đề. Họ biết, họ hiểu pháp luật nhưng vẫn cố ý vi phạm bởi những động cơ, mục đích, khác nhau. Nguyên nhân một phần cũng do việc thực thi pháp luật chưa thực sự nghiêm minh, nhất quán".

Từ thực tế để thấy rằng, việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển và giữ gìn trật tự xã hội. Nhưng thực tế không phải người dân nào cũng ý được việc cần phải sống thượng tôn pháp luật.

"Phải lan tỏa tinh thần dân chủ - pháp quyền, ý thức chấp hành pháp luật ở mỗi người. Thực tế hiện nay công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở nhiều nơi vẫn triển khai hình thức chứ không phải là những cái gì người dân cần và quan tâm", ông Quốc nhấn mạnh. "Thứ nhất, chúng ta phải có được một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn. Thứ hai, việc tổ chức thi hành pháp luật phải thực sự nghiêm minh, nhất quán. Thứ ba, việc bảo vệ pháp luật phải hết sức nghiêm khắc và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Và khi chúng ta đã có hệ thống pháp luật tốt, đầy đủ, phù hợp, khả thi và nhất quán thì lúc đó chúng ta sẽ tính đến việc đưa hệ thống pháp luật đó vào cuộc sống".

Cũng theo ông Quốc, để đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả thì phải nâng cao nhận thức của các các cấp uỷ Đảng, những người đứng đầu. Đầu tư nguồn lực con người, công cụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Thay đổi cách thức phổ biến giáo dục pháp luật để khắc phục những tồn tại trong thời gian qua...

Để “thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực trong xã hội” không phải là việc chúng ta có thể làm một sớm một chiều, mà cần phải có lộ trình hết sức rõ ràng, cụ thể, đòi hỏi sự tham gia của các cấp các ngành, của mọi người dân. Một xã hội pháp quyền thì mọi người dân đều phải thượng tôn pháp luật, không ai có thể nằm ngoài “vùng cấm” của pháp luật. Và khi tinh thần ấy trở thành chuẩn mực thì đó mới là xã hội văn minh, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Mời nghe âm thanh tại đây: