Cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt chính trong xử lý trách nhiệm hình sự, được coi là nhẹ hơn hình phạt tù nhưng nặng hơn hình phạt cảnh cáo và phạt tiền. Khác với hình phạt tù là người bị kết án sẽ bị cách ly khỏi xã hội, phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ thì đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, người bị kết án vẫn được sống, lao động và học tập ngoài xã hội.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, do cải tạo không giam giữ là hình phạt tương đối nhẹ nên theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt này chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng cũng có thể được áp dụng hình phạt này mà điều kiện đầu tiên là Điều luật về tội phạm đó phải có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt có thể được áp dụng trong trường hợp phạm tội của người đó. Thông thường, hình phạt này được quy định tại Khoản 1, là trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng ít nhất của tội danh đó.

Cải tạo không giam giữ thường kéo dài từ 6 tháng đến 3 năm. Thời gian người phạm tội bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình điều tra, xét xử vụ án cũng được tính trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Trong quá trình thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người bị kết án phải thi hành một số nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong đó có nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ hoặc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TGS xung quanh các quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ tại đây: