Hậu quả từ pháo nổ

Những năm qua các hành vi vi phạm về tàng trữ, sử dụng pháo nổ vẫn luôn xảy ra và đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cũng như tính mạng của mọi người.

Chị Nông Thị Tiên ở xã Đắk Gla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cũng vừa trải qua một cú sốc không kém. Phong - con trai chị Tiên và bạn chế tạo pháo tự chế, sau đó mang về nhà cuốn lại. Do thuốc pháo bị ẩm, cháu đã cho vào chảo và bật bếp để làm khô thuốc, dẫn đến tai nạn nổ lớn.

Cũng ở hoàn cảnh tương tự, con trai chị Trần Thị Thu Hằng ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bàn tay phải bị thương gần hết và phải tháo đốt ngón tay cái và tay trỏ do pháo nổ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chia sẻ, hàng năm, khoa tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do chơi pháo và tỷ lệ trẻ em bị thương rất cao. Những vết thương do pháo có thể rất nghiêm trọng, từ bỏng nặng, đứt ngón tay đến mất thị lực. Các ca bỏng hóa chất từ pháo tự chế càng nguy hiểm hơn, vì chúng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng, cần phẫu thuật lâu dài để cứu chữa.

Quy định của pháp luật về hành vi tàng trữ và sử dụng pháo nổ

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định nghiêm cấm hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ. Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ.

Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, hành vi tàng trữ và sử dụng trái phép pháo nổ sẽ bị xử phạt tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và khối lượng pháo, cụ thể như sau:

– Xử phạt hành chính:

+ Đối với những người sử dụng pháo trái phép, pháp luật quy định mức phạt hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 7 nghị định 144/2021.

+ Trong trường hợp tàng trữ pháo nổ trái phép, mức xử phạt sẽ nghiêm khắc hơn, dao động từ 5 triệu đến 10 triệu đồng theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 144. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ tang vật, bao gồm pháo nổ hoặc các loại thuốc pháo bị phát hiện, đồng thời buộc phải tiêu hủy các vật phẩm này dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.

- Nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 191 Luật hình sự 2015. Theo luật này, người vi phạm có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền:

+ Nếu pháo nổ được tàng trữ có khối lượng từ 6kg đến dưới 40kg. Mức phạt trong trường hợp này là từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

+ Nếu khối lượng pháo tăng lên từ 40kg đến dưới 120kg, hình phạt nặng hơn, có thể là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

+ Trường hợp nghiêm trọng nhất, tức là khối lượng pháo từ 120kg trở lên, người vi phạm sẽ bị xử phạt phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Ngoài ra, điều luật cũng quy định một số tình tiết tăng nặng như “phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có tính chất chuyên nghiệp, vận chuyển qua biên giới, tái phạm nguy hiểm”. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hơn nữa, người nào đốt pháo nổ tại nơi công cộng thuộc các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015:

- Người đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

+ Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

+ Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

+ Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;

+ Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

+ Đã bị kết án về tội “Gây rối trật tự công cộng”;

+ Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;

+ Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);

+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội: