Hành vi in ấn và buôn bán sách giả đang có xu hướng phát triển ngày càng tinh vi với quy mô lớn. Sách giả đang được bày bán ở vỉa hè và trong hiệu sách tại nhiều địa bàn và trên các sàn thương mại điện tử. Sách giả không chỉ khiến các công ty sách và xuất hiện nhà xuất bản – nơi làm ra những cuốn sách thật, bị thiệt hại về kinh tế và uy tín mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới người đọc khi có những cuốn sách giả có nội dung lệch lạc so với sách thật, hạ thấp giá trị tri thức. Tuy nhiên thật khó cho độc giả khi phải phân biệt sách giả, sách thật trong “ma trận” sách như hiện nay.

Chị Trần Thu Hà ở quận Đống Đa, Hà Nội là 1 người yêu sách và thường xuyên mua sách tại các nhà sách hay các địa chỉ bán sách online. Tuy nhiên, chị lại đã từng có trải nghiệm không hay khi mua phải sách giả. "Hồi trước mình từng mua 1 quyển Tiếng Nhật cho mọi người trên một trang facebook. Lúc đấy, thấy bìa sách đúng y như bìa sách mình đã từng thấy nên đặt mua. Đến lúc nhận được thì mới biết là sách giả vì chất lượng giấy rất xấu, mực in thì nhòe nhoẹt."

Sau lần đó, chị Hà đã rút ra kinh nghiệm là chỉ mua sách ở các nhà sách có uy tín và “cạch” hẳn việc mua sách online. Trường hợp mua nhầm sách giả như chị Trần Thu Hà không phải là hiếm bởi với các chiêu trò làm giả, làm lậu ngày càng tinh vi, nhiều độc giả gặp khó khăn trong việc phân biệt sách thật – sách giả:

- Dấu hiệu nhận biết sách giả thì mình chưa nắm bắt được. Mua là tin tưởng vào nhà sách thôi.

- Mặc dù mình rất yêu sách nhưng để biết được đâu là sách thật, sách giả thì rất khó.

Phóng viên chương trình đã tìm đến 1 hiệu sách trên đường Láng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, dễ dàng nhận thấy ở cửa hàng này, sách được giảm giá 30%, thậm chí 50% so với giá bìa. Khi nhận được thắc mắc tại sao giá sách lại giảm nhiều như vậy, chủ cửa hàng giải thích: "Sách làm lại thôi. Bây giờ làm lại không phải photo đâu. Họ cũng in đẹp mà."

Hiện nay, tình trạng xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trầm trọng hơn rất nhiều so với các ngành âm nhạc, điện ảnh. Vì thế sách giả, sách lậu vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của thị trường sách cũng như ngành xuất bản. Chế tài xử phạt đã có nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nhu cầu của độc giả muốn mua sách rẻ mà sách giả, sách lậu vẫn tràn lan trên thị trường:

- Sinh viên không có nhiều tiền nên buộc phải chấp nhận việc đấy.

- Hình in không bằng sách chính gốc nhưng em thấy dùng vẫn tốt.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết có thể hiểu sách giả là bản sao được in ấn, phát hành mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Hành vi in ấn và buôn bán sách giả vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), Điều 10 Luật Xuất bản 2012.

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội có thể bị phạt hành chính hoặc hình sự.

Phạt hành chính:

Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15.000.000 - 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, Điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định hành vi in lậu, in giả sẽ bị phạt tiền lên tới 30.000.000 đồng, phụ thuộc vào số lượng ấn phẩm in giả, in lậu. Điều 24 về hành vi in lậu cũng chỉ dừng ở khung phạt là 40.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số, hoặc buộc thu hồi, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Như vậy, ngoài bị xử phạt đối với hành vi in giả, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt về hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Chế tài hình sự:

- Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, người nào có hành vi cố ý “sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình” mà không được phép của chủ thể quyền tác giả và các quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính.

Cá nhân

- Mức phạt từ 50.000.000 đồng - 1.000.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

- Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 20.000.000 - 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm

Pháp nhân thương mại

- Phạt tiền: từ 500.000.000 đồng - 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng - 2 năm.

- Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 100.000.000 đồng - 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm - 03 năm.

- Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Cá nhân

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng - 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm - 15 năm.

- Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại

- Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng - 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng - 03 năm, hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

- Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 50.000.000 đồng - 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm - 03 năm.

Luật sư Trần Xuân Tiền cũng cho biết trong thực tế, hành vi của các đối tượng in ấn, buôn bán sách lậu, sách giả không chỉ dừng lại ở việc sao chép nội dung tác phẩm, mà còn sao chép cả bìa sách, bao gồm logo, tên của các nhà xuất bản. Như vậy, việc in ấn, buôn bán sách giả không chỉ xâm phạm quyền tác giả đối với nội dung tác phẩm, mà còn xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của nhà xuất bản theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên với luật sư Trần Xuân Tiền: