Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của chúng ta, đòi hỏi hệ thống giáo dục phải chủ động trang bị cho người dạy, người học năng lực sử dụng và đồng sáng tạo AI một cách có trách nhiệm, hiệu quả và đạo đức.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) đã phối hợp với tập đoàn Meta xây dựng khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho sinh viên ĐH nhằm trang bị cho sinh viên, giảng viên ứng dụng AI trong học tập, nghiên cứu và có thêm hành trang số để bước vào kỷ nguyên mới làm chù công nghệ trong môi trường số.
Sáng 23 tháng 7, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN) đã tổ chức tọa đàm khoa học "Xây dựng khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho sinh viên".

Theo Hương Giang, sinh viên năm 2 Trường ĐH KHXHNV, sinh viên cần trau dồi những kỹ năng về năng lực số để không lạm dụng AI, mình bị phụ thuộc AI sẽ hổng kiến thức, từ đó tư duy kém đi, ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân.
Nguyễn Đặng Hải An, sinh viên năm 2 ngành Quản lý thông tin, nhận thức cần phải nâng cao năng lực tư duy phản biện để nhận biết AI có chính xác hay không. "Bản thân em thấy AI là 1 công cụ nên chỉ sử dụng nó làm công cụ hỗ trợ mình trong hoạt động học tập, nghiên cứu. Nếu lạm dụng, chúng ta sẽ là công cụ của AI".

Nguyễn Hoàng Quyên vừa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn chia sẻ: Ngay từ những năm đầu em và các bạn đã được các thầy cô đã hướng dẫn sử dụng AI. Qua những hội thảo do Khoa phối hợp với tập đoàn Meta tổ chức các em có thêm nhiều thông tin, kỹ năng sử dụng AI và biết được những điều doanh nghiệp cần, từ đó tăng cơ hội việc làm và hỗ trợ làm việc nhóm cũng như đa dạng hình thức làm việc.

PGS. TS Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa Quản lý thông tin thư viện, Trường ĐH KHXHNV, trưởng dự án Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên chia sẻ: Trong bối cảnh AI có tác động lớn đến các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có giáo dục, xu hướng giảng viên, sinh viên sử dụng Al trong học tập là điều đương nhiên. Khi chưa có định hướng tốt cho sinh viên dùng AI thế nào, sinh viên đang lạm dụng, phụ thuộc AI.
Nhà trường đã phối hợp với tập đoàn Meta xây dựng dự án phát triển năng lực AI cho giảng viên và sinh viên với mục tiêu giúp nâng cao năng lực sử dụng AI của giảng viên và sinh viên trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu.
Trên cơ sở AI là công cụ để hỗ trợ, dự án đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng AI có trách nhiệm, đạo đức trong môi trường học thuật, PGS. TS Đỗ Văn Hùng khẳng định.

Khung năng lực AI có 6 miền năng lực, nhấn mạnh việc lấy con người làm trung tâm, học tập suốt đời, dùng AI có trách nhiệm là triết lý chung, trên cơ sở đó phát triển các chương trình đào tạo, các môn học khác nhau để hỗ trợ người học.
Cũng theo PGS. TS Đỗ Văn Hùng, cần định hướng cho sinh viên, người học sử dụng AI một cách phù hợp, coi AI là công cụ chứ không coi AI là người dẫn dắt và chúng ta bị lệ thuộc.

TS Đặng Văn Huấn, Phó vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: Từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển ứng dụng AI, năm 2025 Bộ GD-ĐT đã ban hành khung năng lực số cho người học (bao gồm sinh viên các trường ĐH). Việc ứng dụng, sử dụng cũng như là khai thác công nghệ AI đặt ra nhiều vấn đề trong đó liên quan đến đạo đức trong sử dụng, khai thác công cụ AI./.