Bà Đào Hồng Lan – Bộ trưởng Bộ Y tế đã cho biết thông tin này tại buổi lễ chúc mừng 20 năm PEPFAR tại Việt Nam. PEPFAR là từ viết tắt của tổ chức Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS.

Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới được hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình này để phòng chống HIV/AIDS. Cùng với Quỹ Toàn cầu, PEPFAR là một trong 2 nhà tài trợ lớn nhất trong chương trình phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đến ngày hôm nay.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu và PEPFAR, 20 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật: “Việt Nam đã kiểm soát được HIV trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được giữ vững, luôn ở mức dưới 0,3%. Đây là những con số rất ấn tượng, thành tựu này không thể không nói đến sự hỗ trợ to lớn về nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong suốt nhiều năm vừa qua” – Bà Đào Hồng Lan phát biểu.

Hiện nay, PEPFAR đang hỗ trợ tại 11 tỉnh trọng điểm có số người nhiễm HIV còn sống chiếm 45,2% trên cả nước. Trong gần 20 năm qua, PEPFAR và Quỹ toàn cầu đã có lúc hỗ trợ tới 90% thuốc ARV cho người nhiễm HIV giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện cuộc sống cho hơn 100.000 người nhiễm HIV.

Bà Đào Hồng Lan cũng đã ghi nhận sự hỗ trợ của PEPFAR đã giúp mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người sống chung với HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm thông qua hỗ trợ các dịch vụ tiên tiến và hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật rất toàn diện, chất lượng; hệ thống quản lý thông tin toàn diện và bền vững; phát triển duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV ở cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp tỉnh.

Trước tình hình gia tăng HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới, chuyển giới, bà Đào Hồng Lan đề nghị PEPFAR hỗ trợ chiến lược tổng thể để can thiệp giảm bớt nguy cơ dịch HIV tăng nhanh trong nhóm này. Ngoài ra, bà cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết cùng với sự hỗ trợ của PEPFAR tiếp tục xây dựng cơ chế tài chính cho sự chuyển giao bền vững các dịch vụ phòng chống HIV, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, tổ chức xã hội trong việc đầu tư và cung cấp các dịch vụ HIV nhằm đảm bảo sử dụng các nguồn lực có hiệu quả được huy động.

Một lần nữa, Bộ Y tế thực sự trân trọng sự hỗ trợ to lớn của PEPFAR, cộng đồng các nhà tài trợ đối với những thành công trong công cuộc phòng chống HIV trong suốt 20 năm vừa qua. Nhân sự kiện này, Bộ Y tế rất mong PEPFAR và cộng đồng các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành hỗ trợ cùng với ngành y tế Việt Nam có giải pháp ưu tiên như sự cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề mua sắm, cung ứng hàng hóa, thiết bị vật tư y tế” – Bà Đào Hồng Lan bày tỏ.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. John N. Nkengasong – Đại sứ PEPFAR toàn cầu đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ, các cơ quan liên quan ở Việt Nam, đặc biệt là Cục phòng chống HIV/AIDS đã có nhiều nỗ lực trong công tác ứng phó với HIV/AIDS.

Về định hướng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thời gian tới, TS. John N. Nkengasong cho biết sẽ chuyển sang hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn ở những khu vực có các điểm nóng HIV mới.

Trong tương lai, chúng ta sẽ đẩy nhanh hoạt động ứng phó để chấm dứt đại dịch HIV/AIDS như một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, đồng thời củng cố hệ thống y tế công cộng một cách bền vững. Để làm được như vậy, năm nguyên tắc định hướng cho chiến lược của PEPFAR là: tôn trọng/khiêm tốn, công bằng, trách nhiệm giải trình/minh bạch, tác động và cam kết bền vững. PEPFAR hiện có 25 chương trình song phương. Trong số các quốc gia này, một số quốc gia đã đạt được mục tiêu 95-95-95; một số khác đang đạt 90-90-90. Việt Nam nằm trong nhóm thứ hai” - TS. John N. Nkengasong cho biết.