Can thiệp khẩn cấp để giành lại tử cung và mạng sống
Dù y học hiện đại đã giúp quá trình sinh nở an toàn hơn rất nhiều, song tai biến sản khoa vẫn có thể xảy ra vào lúc tưởng như đã yên tâm nhất – sau khi mẹ con đã rời khỏi phòng sinh, ra viện, về nhà.
Trường hợp một sản phụ mới 20 tuổi bị băng huyết sau sinh 12 ngày khiến nhiều người bàng hoàng. Ban đầu, bệnh nhân chỉ bị ra máu ít. Nhưng sau đó, máu chảy ồ ạt, sản phụ được đưa đi cấp cứu trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, sốc mất máu, ranh giới sống – chết trở nên mong manh đến nghẹt thở. Câu hỏi đặt ra: tại sao lại có thể xuất hiện băng huyết khi ca sinh đã kết thúc gần 2 tuần?
Theo TS.BS Đỗ Quốc Đạt, Trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ này bị băng huyết muộn, tức là chảy máu xảy ra sau 24 giờ và có thể kéo dài tới 6 tuần hậu sản. Đây là biến chứng ít gặp, nhưng vô cùng nguy hiểm, bởi thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với sản dịch thông thường.
“Người nhà thấy sản phụ ra máu sau sinh cũng không nghĩ gì nhiều, vì tưởng đó là sản dịch. Nhưng khi máu chảy ồ ạt thì đã quá muộn. Lúc nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được. Chúng tôi buộc phải vừa hồi sức, vừa huy động ê-kíp cấp cứu với nhiều kỹ thuật cùng lúc mới cứu được người bệnh và giữ lại được tử cung”, BS Đỗ Quốc Đạt cho biết.
Các bác sĩ đã phải thực hiện truyền máu khẩn cấp, đặt bóng chèn buồng tử cung, khâu thắt động mạch tử cung để cầm máu, đồng thời sử dụng kháng sinh liều cao vì nghi ngờ nhiễm trùng - nguyên nhân hàng đầu gây băng huyết muộn.

Hậu sản: giai đoạn dễ chủ quan nhưng nhiều rủi ro
Khác với băng huyết cấp tính xảy ra ngay sau sinh – được theo dõi sát tại bệnh viện và xử trí kịp thời, thì băng huyết muộn lại diễn ra khi sản phụ đã ra viện, không còn sự giám sát y tế. Đây là lý do nhiều người chủ quan hoặc không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sớm.
“Nếu thấy sản dịch kéo dài trên 10-15 ngày, có mùi hôi, lẫn máu tươi, hoặc xuất hiện các dấu hiệu như sốt, đau bụng âm ỉ, mệt lả… thì phải đến bệnh viện ngay. Những triệu chứng này không thể coi là bình thường”, TS.BS Đỗ Quốc Đạt nhấn mạnh.
Trong quá trình hậu sản, tử cung cần thời gian để co hồi và lớp nội mạc tử cung tái tạo trở lại bình thường. Nhưng nếu có nhiễm trùng, vi khuẩn có thể ăn sâu vào lớp cơ, làm tổn thương mạch máu và gây chảy máu ồ ạt bất kỳ lúc nào. Những sản phụ trẻ, sinh con lần đầu thường ít kinh nghiệm, dễ chủ quan, thậm chí e ngại đi khám vì nghĩ rằng "ra máu sau sinh là chuyện đương nhiên".
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tất cả các sản phụ trước khi ra viện đều được siêu âm lại để kiểm tra tình trạng tử cung, loại trừ nguy cơ sót nhau, đờ tử cung – những yếu tố dễ dẫn đến băng huyết. Đồng thời, bác sĩ cũng hẹn tái khám sau 7-10 ngày để theo dõi tiến trình hồi phục. Tuy nhiên, không ít trường hợp vì ngại đi lại hoặc thấy sức khỏe ổn nên không tuân thủ lịch hẹn.
“Thời kỳ hậu sản kéo dài 6 tuần, là giai đoạn cơ thể người phụ nữ phục hồi dần từ trạng thái mang thai và sinh nở. Không thể nghĩ rằng ra viện là đã hoàn toàn bình thường. Chỉ cần chủ quan trong một khoảnh khắc, hậu quả có thể rất nghiêm trọng”, BS Đỗ Quốc Đạt cảnh báo.
Cũng theo bác sĩ, nếu sản phụ có tiền sử sinh mổ, thai to, đa thai, hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khi chuyển dạ thì cần được theo dõi đặc biệt ngay từ thai kỳ. Việc dự phòng băng huyết không chỉ thực hiện trong phòng sinh, mà cần được chuẩn bị từ trước khi sinh và kéo dài tới suốt giai đoạn hậu sản.