Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, mỗi năm tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có 134 triệu sự cố y khoa xảy ra do chăm sóc y tế không an toàn tại bệnh viện dẫn đến 2,6 triệu ca tử vong.
Trưởng nhóm truyền thông sức khỏe Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, an toàn người bệnh là một trong những quyền cơ bản của người dân.
Trên thế giới, mỗi phút có 5 bệnh nhân tử vong vì không được chăm sóc an toàn. Những mất mát này gây thiệt hại về sức khỏe, kinh tế xã hội… đây là những điều chúng ta có thể phòng tránh được. Đó là lý do tại sao mà chúng ta cần phải tăng cường chăm sóc an toàn người bệnh hàng năm.
Chính vì vậy, WHO đã thống nhất chọn Ngày An toàn người bệnh thế giới 17/9 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.
Chủ đề Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2023 là "Người bệnh tham gia để bảo đảm khám chữa bệnh an toàn".
Tại lễ mít tinh Hưởng ứng Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Bảo đảm an toàn cho người bệnh phải được thực hiện đồng bộ theo chuỗi. Đầu tiên là từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật cho người dân. Nếu không may họ bị bệnh phải tư vấn, hướng dẫn đến khám ở cơ sở y tế nào và vào thời điểm nào.
Những năm gần đây, Bộ Y tế đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và quy định như đường dây nóng kết nối trực tiếp đến Bộ Y tế, tổ chức tiếp công dân trực tiếp do các Thứ trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng thường trự thực hiện khảo sát hài lòng người bệnh thường quy, tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí truyền thông…
Hiện nay, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, đặt lịch khám, người bệnh chỉ cần đến đúng giờ như đã hẹn. Nhờ đó, giảm được thời gian chờ đợi cho người bệnh và người nhà người bệnh; đồng thời, giảm tải cho bệnh viện, giảm lây nhiễm chéo. Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn cho người bệnh còn dựa vào người thầy thuốc khám và chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác. Nếu người bệnh không được chẩn đoán sớm, kịp thời sẽ khiến việc cứu chữa trở nên khó khăn, thậm chí, việc chẩn đoán muộn còn khiến bệnh nhân tử vong…
Vấn đề an toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa. Bộ Y tế đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn và quy định để các bệnh viện nghiêm túc triển khai như tại: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có quy định quyền được khám bệnh, chữa bệnh; phòng ngừa sự cố y khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Thông tư quy định về nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện; Thông tư số hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện, hướng đến người bệnh; Đề án "Xác định phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công"…