Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh yêu cầu này trong Chỉ tị số 05 vừa được ban hành về tăng cường công tác pháp chế trong ngành y tế.
Thời gian qua, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật vẫn còn một số tồn tại như: Chưa đặt công tác hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, nhân lực làm công tác pháp chế còn thiếu, chưa đồng đều; chất lượng một số văn bản pháp luật chưa cao, còn tình trạng chậm tiến độ ban hành văn bản...
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thuộc phạm vi quản lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm. Ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, trong quá trình tham mưu. Chủ động làm đầu mối giải quyết, đề xuất xây dựng pháp luật theo thẩm quyền, tránh đùn đẩy nhiệm vụ.
Các đơn vị phải nâng cao chất lượng xây dựng văn bản, bám sát chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm không có lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật.
Chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao. Chủ động tham vấn ý kiến chuyên gia pháp lý, có thể bố trí cán bộ, phân công nhiệm vụ hoặc mời, thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn pháp lý theo quy định để hỗ trợ, tư vấn pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tuân thủ pháp luật.
Cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, cơ chế tự chủ, xã hội hóa, liên doanh, liên kết. Những quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã đầy đủ, rõ ràng phải thực hiện khẩn trương. Không để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.