Gia tăng số ca mắc sởi với những biến chứng nặng

Những ngày qua, các giường bệnh tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới- Bệnh viện Nhi Trung ương đã kín bệnh nhi mắc sởi. TS-BS Đỗ Thiện Hải- Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, một tháng trở lại đây số ca bệnh mắc sởi được chẩn đoán xác định bằng các xét nghiệm tăng hơn so với thời gian trước Tết:

“Trung tâm hiện có 97 bệnh nhân nằm viện, trong đó có 5 bệnh nhân phải thở máy, 30 em bé phải thở oxy. Các biến chứng của sởi thì vẫn như trước đây, có thể viêm tai mũi họng hay gặp nhất, sau là đến viêm phổi, hoặc tăng tình trạng đáp ứng viêm quá mức của cơ thể. Tình trạng này có thể gây suy giảm chức năng của một số cơ quan quan trọng như rối loạn tim mạch rối loạn đông máu hoặc suy hô hấp, đó là những biến chứng nặng và đã gây ra trường hợp tử vong”- BS Đỗ Thiện Hải cho hay.

Cũng vì bệnh sởi mà chị Phan Thi Nga, sống tại Hà Tĩnh đã phải đưa con trai 9 tháng tuổi ra Hà Nội nhập viện trong tình trạng rất nặng “Con bị sốt, ho, thởi gấp, khó thở và vào phổi rất nhanh Bé nằm viện tuyến tỉnh 2 ngày và ra đây nằm viện là ngày thứ 3 rồi, vì con em bị dị ứng kháng sinh nên ra đây mới được tiêm kháng sinh 3 ngày nay”- chị Nga nói.

Cạnh đó là giường bệnh của bé gái 5 tháng tuổi, con chị Thu Hà sống tại Hà Nội. Dù bé đã vài lần bị ốm sốt nhưng lần này chị Hà thấy con gái bị bệnh nặng hơn cả với triệu chứng sốt nhiều, sốt cao liên tục, ho nhiều, phát ban kèm thở gấp, thở lõm. Vào viện chị Hà mới thấy lo lắng vì số trẻ mắc sởi rất nhiều với những biến chứng khá nặng và con chị là một trong số đó.

“Bác sĩ chẩn đoán sởi, sau khi xét nghiệm khẳng định thì đúng là sởi. Bác sĩ cho con về nhà uống thuốc và theo dõi thêm nhưng sau đó càng thấy thở khó nên em phải cho vào viện, bác sĩ cho nhập viện luôn”- chị Hà cho biết.

Công tác điều trị kịp thời được điều chỉnh, cập nhật đáp ứng diễn biến của dịch sởi

Là bệnh viện tuyến cuối nên hầu hết các bệnh nhi đến đây khi đã gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Đáng chú ý, một nửa số ca nhiễm sởi phải nhập viện điều trị với nhiều biến chứng nặng, trong đó có một ca tử vong là bệnh nhi 4 tuổi, chưa được tiêm vaccine sởi. Chính vì dự báo được diễn biến khó lường của dịch sởi năm nay, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã có sự điều chỉnh và cập nhật mới về công tác điều trị tại bệnh viện.

TS-BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cùng với việc Thành phố Hồ Chí Minh bùng phát dịch sởi và xuất hiện nhiều ca mắc ở miền bắc, tháng 6/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra quy định sàng lọc sởi, phân luồng và có kế hoạch điều trị cho bệnh nhân sởi.

Sàng lọc cho bệnh nhân sởi rất quan trọng vì phải xác định đối tượng cần sàng lọc và xác định phương pháp sàng lọc. Những trường hợp bệnh nhi đến sớm, khởi phát trong 2-4 ngày với biểu hiện sốt, ho, chưa có phát ban, bệnh viện cho làm xét nghiệm sởi.Theo TS-BS Cao Việt Tùng, trường hợp bệnh nhân đã có phát ban, xét nghiệm Elisa được chỉ định để chẩn đoán xác định sởi. Xét nghiệm PCR sởi có thể được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ sởi nhưng có xét nghiệm Elisa sởi âm tính.

Ngoài ra, bệnh nhi có thể được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc tăng cường hỗ trợ miễn dịch, để giảm nguy cơ mắc sởi. Những bệnh nhi có bệnh nền cần phải được điều trị dứt điểm càng sớm, càng tốt.

Để đáp ứng công tác điều trị bệnh sởi đạt hiệu quả trong thời gian này, bệnh viện Nhi Trung ương luôn cố gắng đảm bảo đủ thuốc cho bệnh nhân.

“Bệnh nhân sởi cần được phát hiện sớm các biến chứng nặng về hô hấp, thần kinh, tiêu hóa, mắt… Thời gian qua, bệnh viện đã dự trù nguồn cung ứng vitamin A liều cao để sẵn sàng cho tình huống gia tăng ca mắc sởi, đáp ứng cho cả nội trú và ngoại trú, giúp phòng ngừa các biến chứng về mắt có nguy cơ gây mù lòa cho trẻ”- TS-BS Cao Việt Tùng cho biết.

Đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn, phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện

Đối với nhóm dương tính với virus sởi, đơn vị thu dung bệnh nhân phải tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa chuẩn của Bộ Y tế. Theo đó, từng đối tượng nhân viên y tế phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn bề mặt trong bệnh phòng.

Tháng 10/2024, trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cập nhật lại phác đồ điều trị. Từ đó, dựa trên tình hình thực tế, bệnh viện đã điều chỉnh phân luồng, sàng lọc và cập nhật liên tục về tình trạng ca mắc mới.

Theo TS-BS Cao Việt Tùng- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện nhanh chóng đưa ra chiến lược chuyển đổi mô hình điều trị, đưa Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thành nơi thu dung bệnh nhi mắc sởi.

“Các cháu có triệu chứng khác nhau sẽ được phân luồng để làm xét nghiệm. Trường hợp dương tính sẽ chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tư vấn xem trường hợp nào cần nằm viện, trường hợp nào có thể cho điều trị ngoại trú tại nhà. Các bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm khác thuộc quản lý của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới sẽ được đưa sang khoa khác để điều trị. Các trường hợp mắc sởi trong bệnh viện phải được cập nhật lên hệ thống; các đối tượng phơi nhiễm cũng được quản lý để đề phòng chuyển từ phơi nhiễm thành mắc sởi” – TS-BS Cao Việt Tùng cho biết.

Tiêm vaccine sởi vẫn là cách phòng bệnh hữu hiệu để giảm tải cho cơ sở y tế

Trước đây, nhóm bệnh sởi ghi nhận ở độ tuổi lớn hơn khoảng 5-10 tuổi, nhưng số liệu hiện nay cho thấy 19% ca mắc sởi từ 6 đến 9 tháng và 14% ca mắc sởi dưới 6 tháng tuổi. Vì thế, từ cuối năm 2024, khi dịch sởi diễn biến phức tạp Bộ Y tế đã mở rộng đối tượng tiêm vaccine sởi từ khi 6 tháng tuổi và sau đó tiêm 2 mũi như khuyến cáo cho trẻ trong vùng dịch.

Tổ chức Y tế thế giới cũng như Bộ Y tế đã đưa ra các khuyến cáo về tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ bởi đây đang được coi là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh và ngăn ngừa bùng phát dịch. Tuy nhiên, TS-BS Đỗ Thiện Hải- Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Nhi Trung ương tỏ ra khá lo lắng khi trực tiếp trao đổi với mẹ các bé trong quá trình điều trị.

“Đặc biệt là các em bé dưới 9 tháng tuổi các số ca nằm điều trị tại bệnh viện hầu như chưa được tiêm vaccine sởi hoặc tiêm chưa đủ. Một số đến tuổi tiêm rồi nhưng khi hỏi các mẹ thì thường trả lời là lúc đấy con ốm, ho hắt hơi thì các mẹ cũng không cho đi tiêm”- BS Hải nói

Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccine- đây cũng là cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong phòng chống dịch.

Mới đây, Bộ Y tế cũng vừa có quyết định về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn mới nhất chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Tại hướng dẫn này có một số điểm mới, trong đó có xét nghiệm, phân cấp điều trị…

- Về xét nghiệm thì nếu trẻ được xét nghiệm IgM sởi âm tính mà triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ sởi thì có thể làm lại lần 2 sau 72 giờ, hoặc chỉ định PCR Sởi qua bệnh phẩm dịch tỵ hầu", hay "Phân lập virus từ máu và dịch mũi họng trong giai đoạn sớm của bệnh". Nếu như trước kia để muộn mới làm, bây giờ nếu nghi ngờ và có nguy cơ cao thì thực hiện ngay.

- Về phân cấp điều trị:

+ Trạm y tế xã và phòng khám tư nhân sẽ khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng; Chuyển tuyến đối với bệnh sởi có biến chứng hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.

+ Bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân sẽ khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; Chuyển cấp điều trị đối với người bệnh sởi có biến chứng viêm phổi cần thở oxy, viêm não, nhiễm khuẩn huyết hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.

+ Bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực, bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; Hội chẩn, hướng dẫn tuyến trước điều trị các trường hợp nặng hoặc khó điều trị.

- Trong cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi còn bổ sung vấn đề chăm sóc điều dưỡng quản lý người bệnh chú ý cách ly dài đối với người suy giảm miễn dịch, phòng bệnh bằng vaccine, Immunoglobulin dự phòng sau phơi nhiễm.