Hậu quả nghiêm trọng khi bệnh nhân viêm gan B tự ý bỏ thuốc
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân B.T.H. nữ 47 tuổi ở Lạc Sơn, Hòa Bình nhập viện trong tình trạng suy gan nặng trên nền xơ gan viêm gan virus B kèm theo tình trạng viêm phổi và có nguy cơ hôn mê gan rất cao, bụng chướng, vàng da, vàng mắt. Trước đó, bệnh nhân được phát hiện bị viêm gan B và đã chuyển sang xơ gan song không uống thuốc do bác sĩ kê mà tự mua thuốc nam không rõ nguồn gốc để uống. Dù các bác sĩ tận tình cứu chữa song sau hai tuần nằm viện, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, không đáp ứng với điều trị, khả năng tử vong cao nên gia đình xin về.
Bác sĩ Đồng Vũ Kiên, Khoa Viêm gan – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không riêng bệnh nhân B.T.H mà tình trạng bệnh nhân viêm gan B bỏ dở phác đồ điều trị, không chữa bệnh hoặc tự ý uống các loại thuốc lá, thuốc nam hay thực phẩm chức năng theo lời mách bảo khá thường gặp.
Anh Nguyễn Văn Q. ở tỉnh Hà Nam cũng là một trong số đó. Năm 2017, anh Q. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, sau khoảng 6 tháng uống thuốc kháng virus, thấy sức khỏe trở lại bình thường, anh đã tự ý bỏ thuốc và từ đó đến nay không tái khám. Tháng 9 vừa qua, anh Q. có dấu hiệu mệt mỏi nhiều, đi lại khó khăn, quay trở lại bệnh viện, anh được các bác sĩ cho biết virus đã tái hoạt động, men gan tăng cao gấp 40 lần so với bình thường, nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không nhập viện điều trị ngay. Lúc này, anh Q. mới hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan B khi tự ý bỏ thuốc, không tuân thủ phác đồ điều trị khiến virus bùng phát trở lại.
Cũng với tâm lý chủ quan, cách đây hơn chục năm, khi khám sức khỏe định kỳ và được phát hiện nhiễm virus viêm gan B, ông Trần Văn H. ở tỉnh Bắc Giang không đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mà tự mua các loại thực phẩm chức năng về uống. Không điều trị, cộng với thói quen sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, bệnh viêm gan âm thầm tiến triển nặng lên mà ông H. không hề biết. Mới đây, ông được phát hiện có khối u trong gan, phải phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức. Sau khi cắt bỏ khối u, qua xét nghiệm thấy men gan của ông H. luôn ở mức cao, các bác sĩ chuyển ông sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Sau một tuần nằm viện, chỉ số men gan đã hạ xuống, ông H. ăn ngon, ngủ ngon hơn, nỗi lo về sức khỏe cũng vơi bớt phần nào.
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, hiện số người nhiễm virus viêm gan B ở nước ta rất lớn, ước tính chiếm tỷ lệ từ 8-10% dân số. Tuy nhiên, số ca nhiễm được phát hiện và điều trị còn rất thấp. Cùng với đó, tình trạng bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, tự ý uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính sức khỏe, tính mạng của người bệnh cũng như gánh nặng cho gia đình và ngành y tế.
Bệnh nhân viêm gan B: cần được kiểm tra định kỳ và theo dõi suốt đời
Bác sĩ Đồng Vũ Kiên, Khoa Viêm gan – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi bệnh nhân viêm gan B bỏ thuốc hoặc không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, virus viêm gan B có thể hoạt động mạnh hơn gây ra tổn thương nghiêm trọng cho gan, dẫn đến các biến chứng như xơ gan hoặc ung thư gan.
Nếu bệnh nhân dùng thuốc không đều đặn hoặc tự ý ngừng thuốc, virus có thể phát triển khả năng kháng thuốc, về sau khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn và ít hiệu quả hơn. Khi không điều trị đúng cách, người mắc bệnh viêm gan B có thể lây truyền virus cho người khác qua đường máu hoặc quan hệ tình dục.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có sự kiểm chứng khoa học, có thể chứa các thành phần độc hại sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc gan, tổn thương thêm cho gan và các cơ quan khác trong cơ thể. Điều này cũng gây khó khăn trong việc kiểm soát và điều trị bệnh, vì các bác sĩ sẽ khó xác định được nguyên nhân hoặc phản ứng thuốc trước đó.
Bác sĩ Đồng Vũ Kiên nhấn mạnh, việc tuân thủ điều trị và theo dõi thường xuyên với bác sĩ là rất quan trọng trong việc kiểm soát viêm gan B và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng điều trị viêm gan B có thể làm giảm đến 50-70% nguy cơ xơ gan và 50-80% nguy cơ ung thư gan nếu điều trị liên tục và đúng phác đồ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân có nồng độ virus cao hoặc tổn thương gan tiến triển. Ngoài ra, việc tuân thủ điều trị còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người mắc bệnh viêm gan B, vì kiểm soát virus giúp ngăn ngừa những tổn thương không hồi phục ở gan.
“Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với viêm gan B, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, đánh giá mức độ tổn thương gan và tải lượng virus trong cơ thể. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Dù không có triệu chứng rõ ràng, người mắc viêm gan B cần được theo dõi lâu dài, đặc biệt là kiểm tra định kỳ để đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virus. Việc này giúp phát hiện sớm các biến chứng như xơ gan, ung thư gan. Đồng thời, những người sống chung hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm viêm gan B nên tiêm vaccine phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm” – BS Đồng Vũ Kiên hướng dẫn.
Cũng theo bác sĩ Đồng Vũ Kiên, cũng với việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh viêm gan B nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh rượu bia và các chất độc hại cho gan; tăng cường tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, giúp tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ biến chứng.