Trước thông tin về việc thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở TP HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay có 13 thuốc Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc Immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

Hiện nay đã nhập khẩu về Việt Nam với số lượng 8.258 lọ thuốc và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ tiếp tục nhập khẩu 2.000 lọ thuốc về Việt Nam.

Ngoài ra, dự kiến trong những tháng cuối năm 2023, các thuốc Immunoglobulin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành sẽ được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam.

Đối với thuốc chứa hoạt chất Phenobarbital, hiện nay có một thuốc do cơ sở trong nước sản xuất đã được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cơ sở đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc trong thời gian tới để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.

"Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 21.000 lọ thuốc tiêm chứa hoạt chất Phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay 21.000 lọ thuốc tiêm Phenobarbital đã được nhập khẩu về Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở có nhu cầu"- Phó Cục trưởng Lê Việt Dũng nói.

Cũng theo ông Lê Việt Dũng, hiện Cục Quản lý Dược vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của một số cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa phenobarbital) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện.

Cục Quản lý Dược đã có văn bản hướng dẫn cơ sở nhập khẩu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhập khẩu theo quy định.

Về thuốc chứa hoạt chất milrinon, hiện có hai cơ sở sản xuất trong nước là Công ty cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội và Công ty cổ phần Pymepharco có sẵn thuốc để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Lê Việt Dũng: Thực tế cho thấy nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh.

Theo thống kê, trong tuần 39/2023 cả nước ghi nhận 7.048 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc tăng 3,8%. Tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng; 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296/3) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca. Riêng trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Hiện Thành phố đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.