Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động các bệnh liên quan đến lối sống và các thách thức về sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng.

Kết quả báo cáo điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm năm 2021 trên người trưởng thành từ 18-69 tuổi cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng từ 18,9% lên 26,2%; tỉ lệ tăng đường huyết lúc đói tăng từ 4,1% lên 7,1%; tỷ lệ người có cholesterol toàn phần máu ≥ 5,0 mmol/L đã tăng từ 30,2% lên 44,1%; tỷ lệ thừa cân/béo phì (BMI ≥ 25) tăng nhanh từ 15,6% năm 2015 lên 19,5% năm 2021.

Theo TS.BS Trần Châu Quyên - Trưởng khoa dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong một nghiên cứu năm 2024 của Viện Dinh dưỡng, được thực hiện trên 333 khách hàng độ tuổi từ 20 đến 50 đo mật độ xương tại phòng khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, kết quả cho thấy có 4,6% nam giới bị loãng xương và tỷ lệ này ở nữ giới là 7,7%.

Nghiên cứu này chứng minh tỷ lệ loãng xương diễn ra từ lúc người ta còn trẻ, có nghĩa là trong suốt quá trình từ 20 đến 60 tuổi việc mất xương diễn ra thường xuyên do chế độ ăn không đảm bảo đủ canxi hàng ngày, hoặc thiếu vitamin D hay các chất tạo xương cần thiết khác...

“Các bệnh liên quan đến lối sống như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu và suy dinh dưỡng đang ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam từ trẻ em đến người cao tuổi” – PGS.TS Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh.

Trong giai đoạn chuyển tiếp về dinh dưỡng, để đáp ứng nhu cầu được khám, tư vấn điều trị và dự phòng các bệnh liên quan đến lối sống, Viện Dinh dưỡng đã triển khai 08 dịch vụ khám tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt cho 06 nhóm bệnh bao gồm: đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu, suy dinh dưỡng và 02 nhóm đối tượng phụ nữ có thai, và người cao tuổi.

Đây là một dấu mốc cho sự khởi đầu của chuyên sâu hóa các lĩnh vực tư vấn dinh dưỡng ở người lớn nói riêng, và sẽ là sự khởi đầu cho tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt sau này.