Sau khi sinh con được 1 năm, chị T.N ở tỉnh Ninh Bình bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, sốt cao kéo dài, viêm sưng khớp tay. Đi khám ở nhiều bệnh viện, chị được chẩn đoán bạch cầu tăng cao không rõ nguyên nhân.

Tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, qua tiến hành các xét nghiệm, chị T.N được bác sĩ cho biết chị bị nhiễm giun chó mèo. Điều này khiến chị khá bất ngờ. Bởi dù nhà có nuôi chó song chị không tiếp xúc trực tiếp và cũng rất chú ý trong việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa. “Có lẽ do em mới sinh con, sức đề kháng suy giảm nên mới đổ bệnh như thế” – Chị T.N nói.

Hiện nay, không chỉ nuôi chó để trông giữ nhà, nhiều gia đình còn nuôi chó, mèo làm vật cảnh. Theo bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến - Nghiên cứu khoa học – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc chăm sóc, chơi đùa với thú cưng là một cách để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ nên thận trọng với các tác nhân gây bệnh từ thú cưng trong gia đình.

Giống như mọi người, phụ nữ mang thai có thể mắc các căn bệnh truyền nhiễm từ vật nuôi. Đầu tiên phải kể đến bệnh dại. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, các gia đình nên quan tâm đến việc tiêm phòng dại cho thú cưng, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương khuyến cáo.

Bệnh nhiễm khuẩn salmonella cũng là một bệnh nhiễm trùng có thể lây từ vật nuôi sang người và rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Salmonella gây sốt, tiêu chảy và có thể gây nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não. Mẹ bầu cũng có thể truyền vi khuẩn sang con.

“Các loài ve, bọ chét sống ký sinh trên thú cưng cũng có thể đốt và lây truyền một số loại virus cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ mang thai. Trong đó, phải kể đến chuột Hamster là loài có thể lây nhiễm một loại virus gây viêm não cho người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể bị nhiễm giun sán từ chó mèo nếu không đảm bảo vệ sinh và tẩy giun thường xuyên cho các vật nuôi này” – BS Nguyễn Cảnh Chương lưu ý.

Đặc biệt, nguy cơ đe dọa sức khỏe của bà mẹ và thai nhi khi gia đình nuôi thú cưng là lây nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma. Loại ký sinh trùng này thường tồn tại nhiều trong ruột mèo và theo phân mèo đi ra ngoài môi trường và xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa như ăn thức ăn chưa nấu chín.

Với phụ nữ mang thai, Toxoplasma có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như lây truyền sang bào thai, sẩy thai hoặc thai lưu, trẻ sinh ra bị não úng thủy, động kinh, dị tật mắt, dị tật tai. Một số trường hợp, trẻ không có biểu hiện bệnh khi chào đời nhưng sau này, trẻ có thể bị vàng mắt, vàng da, viêm gan, xuất huyết dưới da, nghe kém, tâm thần chậm phát triển…

“Khi gia đình có nuôi chó mèo, khi thăm khám sức khỏe, khi thai phụ làm xét nghiệm máu sàng lọc các bệnh như viêm gan, HIV… thì nên thực hiện cả xét nghiệm sàng lọc Toxoplasma để biết mình có bị nhiễm bệnh hay không. Nếu bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma thì chúng ta sẽ có kế hoạch để điều trị sớm, hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi” – BS Nguyễn Cảnh Chương hướng dẫn.

Để phòng ngừa các căn bệnh nguy hiểm từ thú cưng, BS Nguyễn Cảnh Chương khuyên phụ nữ mang thai nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, lưu ý vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thực hiện ăn chín, uống sôi, khi dọn phân chó mèo nên dùng găng tay, rửa tay với xà phòng và nước sạch./.