Những “giọt yêu thương”...

Chị Quỳnh Lan (Đà Nẵng) mang thai đôi đến tuần thứ 32 thì một cơn chuyển dạ ập đến. Chị vào viện cấp cứu nhưng mọi việc đã quá muộn. 2 đứa trẻ đã không còn. Dù vẫn phải đau đớn “vượt cạn” nhưng sau sinh vòng tay người mẹ này lại trống rỗng.

“Em sinh con nhưng không được bồng con như những bà mẹ khác, em cảm thấy rất buồn. Em nghe tiếng em bé ở giường bên khóc, thấy các bà mẹ cho con bú em cũng muốn vậy nhưng con em không còn nữa”, chị Lan chia sẻ.

Con không còn, nhưng những dòng sữa mẹ vẫn chảy ấm vạt áo. Bác sỹ có khuyên chị nên sử dụng thuốc để làm ngưng sữa, nhưng chị Lan lại không muốn vậy. Chị muốn mang dòng sữa cho các em nhỏ sinh thiếu tháng, nhẹ cân, yếu ớt và cả những em bé kém may mắn khi có mẹ bị ung thư không thể cho con bú như trường hợp của chị N.T.N.H (Quảng Ngãi).

Chị H. phát hiện mắc ung thư máu ở giai đoạn đầu thai kỳ và tình trạng bệnh đã trở nên rất nặng. Vì thế, ngay khi em bé chào đời cũng là lúc phải rời xa mẹ. Chị H. phải chuyển sang bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Đứa trẻ bơ vơ mẹ may mắn đã nhận được những “giọt yêu thương” từ những người mẹ khác.

“Cũng nhờ vào nguồn sữa của Ngân hàng sữa mẹ, rồi cộng đồng yêu thương, đóng góp cho cháu ít sữa, hồi hàng ngày mang đến từng bịch, khử trùng, gia đình cứ thế chăm sóc cho cháu từ lúc trong viện đến khi ra viện, về nhà đến giờ”, ông ngoại của cháu bé bày tỏ.

Bác sỹ Lê Thị Thanh Hương, Phụ trách Ngân hàng Sữa mẹ - Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng chia sẻ, rất cảm động khi mỗi một giọt sữa mang đến và trao đi đều có một câu chuyện riêng.

Các mẹ hiến tặng sữa là hoàn toàn tự nguyện, không có một chút kinh phí nào. Nếu thương nhau cho tiền đã đành nhưng đây là những người phụ nữ dũng cảm, vì sau khi đã mất con, việc vắt sữa cũng tựa như chạm đến nỗi đau của họ, thế nhưng họ vẫn chấp nhận hàng ngày vắt sữa để đem đến cho những đứa trẻ thiếu tháng, nhẹ cân và có hoàn cảnh đặc biệt.

“Trước đây khi chưa có ngân hàng sữa mẹ, các em bé thiếu tháng, nhẹ cân phải dùng sữa bột hoàn toàn vì thế cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng khi có ngân hàng sữa mẹ thì sữa bột đã được thay thế bằng sữa mẹ. Hiện giờ không có trường hợp nào phải dùng sữa bột nữa và điều này cải thiện tình trạng sức khỏe cho các em bé”, bác sỹ Hương thông tin.

Cần một chính sách để phát triển ngân hàng sữa mẹ

Sau 6 năm triển khai, đến nay cả nước đã có 5 ngân hàng sữa mẹ và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh. Có 4 nghìn bà me hiến tặng 30 nghìn lít sữa mẹ và 55 nghìn trẻ sơ sinh được hưởng lợi.

Tính trung bình mỗi năm, ngân hàng thu nhận khoảng 10 nghìn lít sữa từ 350 bà mẹ và cung cấp cho hơn 18 nghìn trẻ.

Điều này đã giúp trẻ sinh non giảm 46% viêm ruột hoại tử, giảm tỷ lệ bệnh phế quản phổi, giảm số ngày phải thở máy và phòng ngừa bệnh võng mạc. Còn với trẻ nhẹ cân, việc nuôi ăn hoàn toàn qua đường tiêu hóa đến sớm hơn so với những đứa trẻ sử dụng sữa công thức và trẻ cũng tăng cân tốt hơn.

Đây là những số liệu cho thấy lợi ích và ý nghĩa của ngân hàng sữa mẹ sau một thời gian triển khai và cũng là lúc cần thúc đẩy hoạt động này mang tính bền vững, mở rộng.

Chính vì thế, vừa qua, trong hội thảo “Hiệu quả sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong dinh dưỡng điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân” đã đưa ra khuyến nghị bổ sung quyền lợi trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Cụ thể, theo bác sỹ Nguyễn Mai Hương, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), đã có văn bản đề xuất đưa vào phạm vi quyền lợi để khi một đứa trẻ cần được sữa mẹ hiến tặng thì được bảo hiểm y tế chi trả. Điều này sẽ giúp cho các ngân hàng sữa mẹ có được nguồn lực để tăng cường công suất tối đa thanh trùng. Khi đó mọi trẻ sinh non bệnh lý mà chưa có sữa mẹ đều có thể tiếp cận, giảm gánh nặng bệnh tật, từ đó giảm chi phí điều trị BHYT.

Đối với các bà mẹ hiến tặng sữa không được đề xuất trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi nhưng các chuyên gia cũng gợi ý đối với các bệnh viện có thêm quyền lợi cho các bà mẹ trong những lần đi khám chưa bệnh và mang thai sau.

Bác sỹ Mai Hương cũng phân thích thêm, khi bổ sung sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào phạm vi quyền lợi của người được hưởng BHYT trong Dự thảo Luật cũng sẽ chi tiết hóa quy định, quy trình, tiêu chí chỉ định sử dụng sữa mẹ thanh trùng. Việc làm này sẽ tránh chỉ định sai, lạm dụng sử dụng sữa mẹ hiến tặng.

Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới đưa sữa mẹ hiến tặng vào chính sách quốc gia và bảo hiểm y tế chi trả. Trong đó, ngoại trừ Phillipines, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều đã thực hiện chính sách này.