Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc sử dụng ngôn ngữ một cách bình thường so với độ tuổi của mình. Tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có thể xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng, và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp, học tập cũng như các mối quan hệ xã hội của trẻ.
Trường hợp con chị Hoàng Ngọc Hà, 2 tuổi rưỡi ở Bắc Giang là một ví dụ. Khi được 18 tháng tuổi, chị Hà bắt đầu cho con đi học mẫu giáo, tuy nhiên cháu không chơi với các bạn, cũng ít tương tác với cô giáo. Đa số thời gian cháu chỉ chơi 1 mình và không giao tiếp. Ở nhà, khi chơi cùng con, chị cũng không thấy con nhìn hay tương tác lại. Dù đã hơn 2 tuổi những cháu mới chỉ bập bẹ được một số từ đơn như mẹ, bà, cá ,quả…
Thấy con chậm nói, hạn chế tương tác với mọi người xung quanh, chị Hà cũng đã tìm hiểu và cho con đi học tại một trung tâm can thiệp đặc biệt. Tuy nhiên tình trạng của con không mấy cải thiện. Vì vậy, gia đình quyết định đưa con đến Bệnh viện Nhi TƯ để khám.
Qua thăm khám, Ths.BS Nguyễn Mai Hương – Phó Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi TƯ nhận thấy, con chị Hà có rất nhiều biểu hiện của tình trạng rối loạn ngôn ngữ:“Bạn này ngôn ngữ rất hạn chế, với 1 bạn 29 tháng tuổi phải nói được từ ghép, tậm chí 3 từ nhưng bạn này thì mới chỉ nói tương đương với 1 trẻ 18 tháng tuổi. Trẻ cũng không có cử chỉ giao tiếp, không tương tác với người đối diện… Bạn này có những vấn đề rối loạn về giao tiếp…”.

Theo Ths.BS Nguyễn Mai Hương – Phó Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi TƯ rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường được chia thành 2 dạng chính:
-Trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ (hay còn gọi là rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận): Trẻ thường gặp trở ngại khi ghi nhớ và sử dụng các từ ngữ mới trong giao tiếp. Trẻ không thể hiểu đầy đủ nội dung khi người khác nói chuyện, thậm chí với các câu đơn giản. Khi được hỏi, trẻ có thể không đáp hoặc trả lời sai ý vì không hiểu rõ câu hỏi. Trẻ thường lúng túng khi thực hiện các yêu cầu hoặc hướng dẫn, đặc biệt là những yêu cầu gồm nhiều bước.
-Trẻ gặp khó khăn trong cách biểu đạt (hay rối loạn ngôn ngữ diễn đạt). Trẻ có thể hiểu những gì mình nghe hoặc nhìn thấy nhưng không thể diễn đạt rõ ràng cảm xúc của mình, dẫn đến việc khó giao tiếp xã hội. Trẻ thường dùng sai từ hoặc không biết cách sử dụng từ ngữ phù hợp. Việc kể lại một câu chuyện hoặc chuỗi sự kiện trở nên phức tạp vì trẻ không biết cách liên kết các ý. Trẻ không có biểu hiện tương tác bằng mắt với người đối diện, nói ngọng, nói lắp..
Các nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ có thể do trẻ mắc các rối loạn phát triển có khiếm khuyết về ngôn ngữ như rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển...Trẻ tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử như smartphone, ti vi, máy tính, ipad,…Hay gia đình dành quá ít thời gian cho con cái khiến trẻ không có cơ hội được giao tiếp từ sớm. Hoặc trẻ bị khiếm thính hoặc mắc các bệnh lý khuyết thiết vùng hàm mặt...

Hiện tại có nhiều phương pháp can thiệp rối loạn giao tiếp cho trẻ, trong đó tập trung vào 2 nhóm chính. Thứ nhất là can thiệp trực tiếp vào trẻ. Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn cho trẻ các bài tập phát âm, cách sắp xếp câu từ trong lời nói, cách diễn đạt. Thứ 2 là phương pháp tiếp cận gián tiếp, tức là chúng ta không tác động trực tiếp lên trẻ mà tác động lên người chăm sóc, cha mẹ, môi trường xung quanh trẻ, tạo cho trẻ cơ hội để tăng khả năng tương tác và giao tiếp với mọi người một cách tự nhiên, từ đó phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ.
"Thông thường sẽ kết hợp 2 nhóm tiếp cận, ví dụ ở giai đoạn đầu khi trẻ cần làm quen với môi trường thì trẻ sẽ được tiếp cận theo phương pháp gián tiếp hay tiếp cận tự nhiên. Nhưng sau đó trẻ sẽ được đi theo hướng tiếp cận trực tiếp để đạt kết quả tối ưu trong can thiệp" - BS Nguyễn Mai Hương thông tin.
BS Mai Hương cũng nhấn mạnh, cha mẹ và người chăm sóc có vai trò rất quan trọng trong quá trình can thiệp điều trị cho trẻ rối loạn ngôn ngữ.