Tiêm insulin là một trong những phương pháp điều trị thường quy với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây tại khoa khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có đến gần 70% các bệnh nhân điều trị insulin tiêm sai. Thậm chí có những người đã tiêm thời gian dài, nhưng chỉ khi nhập viện do có biến chứng mới vỡ lẽ ra mình chưa biết cách tiêm.

Sai lầm phổ biến nhất là bệnh nhân tiểu đường chỉ tiêm insulin một chỗ, mà không thay đổi vị trí tiêm. Theo Ths-Bs Phạm Như Quỳnh, Giám đốc chuyên môn, Phòng khám chuyên khoa nội One doctor: hậu quả của tiêm quá nhiều mũi tại một vị trí là lớp mỡ dưới da vùng đó sẽ phản ứng và phì đại, nên không hấp thu được insulin, dẫn đến tiêm liều rất cao nhưng vẫn không kiểm soát được đường máu. Việc bảo quản thuốc tiêm, sử dụng sai loại kim tiêm, rút bơm tiêm ngay sau khi tiêm xong … là những lỗi kỹ thuật thường gặp khi tiêm insulin tại nhà.

"Bảo quản insulin ở trong ngăn mát của tủ lạnh, từ 2-8 độ C, tuy nhiên có nhiều bệnh nhân để insulin để trong ngăn mát nhưng sát với ngăn đá vì thế cũng làm giảm chất lượng của insulin" - BS Phạm Như Quỳnh nói.

Một số biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân tiểu đường khi dùng insulin:

Biến chứng hạ đường huyết: Đây là một trong các biến chứng rất hay gặp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì bênh diễn biến nhanh có thể nguy hiểm tính mạng thậm chí tử vong. Nguyên nhân của hạ đường huyết do dùng quá liều insulin làm thay đổi tình trạng bệnh nhân trong một thời gian rất ngắn làm cho nồng độ glucose máu rất cao sang tình trạng hạ đường huyết, dị ứng insulin, loạn dưỡng chỗ tiêm insulin vv... Lâm sàng thể hiện là mệt mỏi, run, tăng tiết mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác đói, tê môi, tê đầu lưỡi, nhức đầu, nôn, lơ mơ, hôn mê.

Loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm insulin: Đây là một trong những biến chứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường khi điều trị bằng insulin kéo dài từ đó dẫn đến teo tổ chức mỡ dưới da tại chỗ tiêm do rối loạn dinh dưỡng thần kinh ở vùng tiêm do kích thích cơ học, lý sinh, nhiệt và do kỹ thuật tiêm.

Insulin là dạng thuốc tiêm duy nhất cho bệnh nhân tiểu đường, tuy nhiên các bác sĩ ví nó như con dao 2 lưỡi, vì vậy để tránh những biến chứng người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Cần làm sạch vị trí tiêm. Insulin được tiêm vào lớp mỡ ngay dưới da. Tùy vào từng loại insulin mà có thời gian tiêm khác nhau: tiêm trước ăn 30 phút, tiêm ngay trước ăn hoặc sau ăn 5 phút

Không nên tiêm lặp lại tại một vị trí trong vùng tiêm. Để hạn chế các biến chứng, cần luân phiên các vị trí tiêm. Đặc biệt, với những trường hợp sử dụng hơn 1 mũi tiêm trở lên trong ngày, phải tiêm ở các vị trí và ở các vùng khác nhau

Trước khi tiêm cần kiểm tra thời hạn sử dụng, màu sắc, việc lấy thuốc insulin cũng cần đúng kỹ thuật. Dù tiêm bằng bút tiêm hay bằng xi lanh cần giữ lại 10-15s để Insulin được hấp thu hết..- BS Quỳnh cho biết

Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ thời gian tiêm được bác sĩ khuyến cáo để tránh nguy cơ tụt đường huyết và duy trì nồng độ thuốc trong máu được ổn định.