Video Player is loading.
Current Time 0:00
/
Duration 0:00
Loaded: 0%
0:00
Progress: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -0:00
 
1x

Những thói quen ăn uống gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh đường ruột

Một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta duy trì và nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Khi cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần cũng thoải mái, vui vẻ. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai cũng có ý thức về việc xây dựng cho cho bản thân những thói quen tốt trong thực hành dinh dưỡng mà vẫn đặt sở thích cá nhân lên trên lợi ích sức khỏe.

Trong cuộc sống hiện đại, xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm ăn liền đang trở nên phổ biến. Đặc biệt, với giới trẻ, các đồ ăn thức uống như thịt nguội, xúc xích, khoai tây chiên, bánh ngọt, trà sữa, nước ngọt… luôn là những thực phẩm khoái khẩu. Khi sử dụng các loại đồ ăn nhanh, chế biến sẵn theo sở thích, chúng ta đã nạp vào cơ thể quá nhiều chất béo, đường và muối.

Theo số liệu của Bộ Y tế, ở nước ta, trung bình một người tiêu thụ hơn 46g đường tự do và 8g muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Một số nghiên cứu cho thấy, thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều muối có thể làm mất cân bằng giữa các vi khuẩn có ích và và vi khuẩn gây hại trong đường ruột. Chẳng hạn, với thức ăn có nhiều đường và ít chất xơ, cơ thể tiêu hóa nhanh hơn. Do đó, quá trình này không để lại nhiều chất dinh dưỡng cho hệ vi sinh đường ruột tiêu thụ, trong khi đường dư thừa có thể nuôi vi khuẩn gây bệnh.

Tương tự, chế độ ăn nhiều muối cũng có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và làm cho vi khuẩn HP - loai vi khuẩn có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng - phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Cũng theo số liệu của Bộ Y tế, một người Việt Nam tiêu thụ trung bình 8,3 lít cồn nguyên chất, tương đương 170 lít bia mỗi năm và con số này có chiều hướng tiếp tục tăng. Việc lạm dụng rượu bia cũng gây ra những thay đổi bất lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột và dẫn tới các bệnh lý về đường tiêu hóa.

Chế độ ăn giúp ruột khỏe - não vui

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đường ruột khỏe mạnh hay ốm yếu có thể ảnh hưởng đến toàn bộ phần còn lại của cơ thể. Hệ vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hệ miễn dịch và thậm chí cả tinh thần của chúng ta. TS Bùi Mai Hương - Trưởng khoa Vi sinh thực phẩm và Sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khi ruột khỏe thì não vui và ngược lại.

Ruột cung cấp từ 90-95% serotonin của cơ thể. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giúp truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh và điều chỉnh các chức năng của cơ thể như giấc ngủ, tâm trạng và tiêu hóa. Hệ vi sinh đường ruột cũng hỗ trợ sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh và hóa chất khác như dopamine và tryptamine là những hormone liên quan đến cảm giác hạnh phúc của con người.

Ruột còn có hệ thần kinh riêng và được coi là "bộ não thứ hai" của cơ thể. Hệ thần kinh ruột có nhiều chất dẫn truyền thần kinh giống như não, những chất này giúp cảm nhận cơn đau và kích hoạt hệ miễn dịch. Nó cũng di chuyển thức ăn qua hệ tiêu hóa. Do đó, giữa ruột và não có mối quan hệ mật thiết và hai chiều.

"Chẳng hạn, khi chúng ta căng thẳng thì sẽ cảm thấy bụng đau quặn khó chịu hoặc làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, làm suy yếu hệ miễn dịch…" - TS Bùi Mai Hương nêu ví dụ.

Để giúp đường ruột luôn khỏe mạnh, TS Bùi Mai Hương gợi ý, chúng ta nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng với nhiều rau xanh và trái cây, ưu tiên lựa chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt, các thực phẩm lên men tự nhiên như sữa chua, dưa cải muối.

Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có nhiều đường, nhiều chất béo, không ăn quá nhiều thịt đỏ, không lạm dụng rượu, bia.

Khi phải điều trị kháng sinh gây tổn hại đến hệ vi sinh đường ruột hoặc gặp các vấn đề về sức khỏe dẫn đến đường ruột kém hấp thu chất dinh dưỡng thì nên gặp bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn các biện pháp giúp phục hồi và cải thiện hệ vi sinh đường ruột.