Những ấn tượng khó quên tại “mặt trận” Đà Nẵng

Khoảng 5 giờ chiều cuối tháng 7 năm ngoái, khi đang trên đường từ quê trở về Hà Nội, TS-BS Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 – BV Bạch Mai nhận được điện thoại thông báo chuẩn bị vào Đà Nẵng chi viện cho các đồng nghiệp chống dịch Covid-19. Hai tiếng sau, ông đã có mặt tại bệnh viện cùng các đồng nghiệp lên đường.

“Vào thời điểm nhận thông tin tôi cảm giác như mình đang chuẩn bị bước vào một trận chiến. Nhưng trận chiến này không biết kẻ thù là gì, số lượng bao nhiêu, SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương cho người bệnh và nhân viên y tế như thế nào nên hết sức bối rối. Các thành viên trong đoàn cũng có cảm giác như vậy. Nhưng sự thôi thúc phải hỗ trợ cho đồng nghiệp và cứu chữa bệnh nhân - đó là cái quan trọng nhất khi chúng tôi mang theo khi vào Đà Nẵng”. Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn nhớ lại.

Là một trong những y bác sĩ đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng giữa thời điểm nước sôi, lửa bỏng, thế trận đang còn ngổn ngang, lúc đó bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn và đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai đối diện với vô vàn khó khăn và áp lực. Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 kèm theo các bệnh lý nền như suy thận, tim mạch cần được điều trị tích cực và sự hỗ trợ của máy móc để duy trì chức năng sống. Chăm sóc một ca bệnh nặng cần rất nhiều nhân lực, đòi hỏi số lượng lớn y bác sĩ đi vào khu vực có nguy cơ lây nhiễm rất cao.“Đối với bệnh nhân hồi sức, đặc biệt là bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì tình trạng bệnh thay đổi, diễn biến theo từng giờ từng phút. Chúng tôi, thức trắng đêm là chuyện bình thường".

Vừa điều trị các ca bệnh nặng, BS Đỗ Ngọc Sơn vừa cùng các đồng nghiệp nhanh chóng xây dựng, thiết lập hệ thống hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Vốn là một cơ sở y tế tuyến huyện, các y bác sĩ tại đây chưa từng tiếp cận với các kỹ thuật cao của chuyên ngành hồi sức cấp cứu và cũng chưa chuẩn bị tinh thần để điều trị những bệnh nhân cực nặng. Nhưng với sự cảm thông, chia sẻ và hiểu biết lần nhau, các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo và thuyết phục các đồng nghiệp tuyến y tế cơ sở cùng tham gia cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân.

“Để xây dựng bệnh viện dã chiến như vậy, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều, đào tạo, thuyết phục các cán bộ tại cơ sở y tế đó cùng tham gia “chiến đấu” với mình. Đối với họ, đó là những thay đổi lịch sử. Có lần trong cuộc trao đổi với tôi, chị điều dưỡng trưởng đã khóc và tôi hiểu trong những lúc cam go như vậy thì sự cảm thông chia sẻ hiểu biết lẫn nhau rất quan trọng để vượt qua đại dịch” - BS Đỗ Ngọc Sơn đã chia sẻ về ấn tượng của ông khi tham gia chống dịch tại Đà Nẵng.

Tinh thần tiên phong luôn thường trực

Sau những ngày bão giông, Đà Nẵng tạm yên, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn trở lại với công việc tại Trung tâm Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng, cũng trong một buổi chiều gần sát Tết Nguyên đán, khi kết thúc ca trực, chuẩn bị trở về nhà, ông lại nhận được lệnh lên đường chi viện cho Hải Dương. Với tính chất lây lan nhanh của chủng SARS-CoV2 biến thể có nguồn gốc từ Anh, yêu cầu đặt ra lần này là phải thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị số lượng lớn bệnh nhân. Với kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng thành công bệnh viện dã chiến số 2 cho Hải Dương với đầy đủ trang thiết bị, máy móc, đảm bảo nhiệm vụ hồi sức cấp cứu những trường hợp nặng.

Ngay sau khi ổn định hoạt động của bệnh viện này, trước tình hình căng thẳng và phức tạp của dịch Covid -19 tại Gia Lai, BS Đỗ Ngọc Sơn lại thu xếp hành lý, bay ngay vào Tây Nguyên hỗ trợ đồng nghiệp. Bác sĩ Sơn cho biết, công tác phòng chống dịch ở Gia Lai lại có những khó khăn, vất vả riêng. Bởi năng lực hồi sức cấp cứu của các bệnh viện ở khu vực Tây Nguyên còn yếu, trang thiết bị và máy móc thiếu thốn. Sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này từ Bạch Mai đã giúp các y bác sĩ tại đây yên tâm, tự tin hơn trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

“Là thầy thuốc, chúng tôi luôn xác định, khi dịch bệnh xảy ra ở bất cứ đâu thì sẽ sẵn sàng lên đường, đến những điểm nóng nhất. Nhất là đối với các y bác sĩ làm việc trong lĩnh vực cấp cứu thì tinh thần tiên phong còn mạnh mẽ hơn” - BS Đỗ Ngọc Sơn nói.

Không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm

Hỗ trợ cho Đà Nẵng, Hải Dương, Gia Lai, đối với bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là tình cảm: “Ở Đà Nẵng tôi có rất nhiều đồng nghiệp, chúng tôi đã từng chia sẻ với nhau nhiều điều về công việc và cả cuộc sống. Nên khi có cơ hội hỗ trợ cho đồng nghiệp thì chúng tôi không quản ngại khó khăn. Còn Hải Dương là quê hương của GS Nguyễn Văn Đính - người thầy của chúng tôi và là cha đẻ của chuyên ngành hồi sức cấp cứu của Việt Nam. Về Hải Dương chống dịch là niềm vinh dự và cũng là tình cảm dành cho thầy.”

Trước một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, mỗi khi đi vào tâm dịch, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn đều xác định và chuẩn bị tâm thế có thể bị lây nhiễm SARS-CoV-2. Bởi đã có rất nhiều y bác sĩ đã mắc Covid-19 trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Nhưng điều đó chưa khi nào làm ông chùn bước. “Mình là người chủ động đi chống dịch và biết cách bảo vệ sức khỏe, chúng tôi dặn nhau làm mọi cách phòng hộ tốt nhất để không bị lây nhiễm bệnh. Vì vậy, chúng tôi không hề lo lắng hay sợ hãi.” – vị chiến binh áo trắng quả cảm khẳng định với nụ cười hiền hậu.