Thời tiết hay trong không khí chỉ cần một chút thay đổi là bé Gia Huy 4 tuổi nhà anh Tiến Đạt ở quận Hoàng Mai- Hà Nội lại hắt hơi, sổ mũi. Tình trạng chảy nước mũi của cháu liên tục diễn ra, có đợt vài tháng. Anh Đạt đã đưa con đi khám bác sĩ, tuy nhiên, dùng thuốc theo đơn bác sĩ kê cũng chỉ đỡ chút ít, sau đó bé lại chảy nước mũi, ngạt mũi. Giải pháp hiện nay được gia đình áp dụng là rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý.

Loay hoay với chứng viêm mũi dai dẳng ở trẻ nhỏ, rất nhiều bậc cha mẹ không biết phải xử trí thế nào, bởi có quá nhiều tác nhân khiến cho các triệu chứng chảy nước mũi hay ngạt mũi của các bé khó có thể điều trị dứt điểm như thời tiết thay đổi thất thường, sống và học tập trong môi trường ô nhiễm trong khi hệ miễn dịch của trẻ lại yếu ớt.

Ths.BS Vũ Thị Thúy Lan- nguyên Trưởng khoa Hô hấp Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn, Phụ trách phòng khám Nhi Cây Thông xanh - thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng cho biết, số trẻ mắc chứng bệnh này hiện nay đang tăng lên rõ rệt và chủ yếu là do biến đổi thời tiết đột ngột; trẻ có thể mẫn cảm với nhiều dị nguyên như bụi nhà, phấn hoa, lông động vật nuôi, gián, khói thuốc lá, thuốc lào, khói hương… Trong đó, bụi nhà và phấn hoa là hai dị nguyên chính gây nên viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng xuất hiện theo mùa thường gây ra bởi các dị nguyên phấn hoa hay nấm mốc tồn tại trong môi trường bên ngoài nhà ở. Viêm mũi dị ứng quanh năm thường gây ra bởi các dị nguyên bên trong nhà hoặc kết hợp giữa các dị nguyên bên trong và bên ngoài môi trường nhà ở. Bên cạnh đó, phải kể đến sức đề kháng của trẻ yếu ớt nên cũng rất dễ mắc bệnh.

Các triệu chứng thường gặp là trẻ có thể ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi và chảy nước mũi theo từng cơn trong ngày. Trẻ cũng có thể bị nghẹt mũi và phải thở bằng miệng. Nặng hơn có bé bị khó thở, ù tai. BS Vũ Thị Thúy Lan “bật mí”, nếu các bé sau sinh 1-2 tháng bị chàm mà sau này có triệu chứng viêm mũi thì chắc chắn các bé bị viêm mũi dị ứng do cơ địa.

Để phòng viêm mũi dị ứng cho trẻ, cha mẹ nên làm gì? Theo BS Vũ Thị Thúy Lan, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ, đặc biệt sau khi tắm và sáng sớm, đặc biệt, nên đeo khẩu trang khi ngủ dậy để tránh bị lạnh đột ngột. Không nên sử dụng nước tỏi ép nhỏ mũi vì có thể gây bỏng niêm mạc mũi. Việc rửa mũi bằng nước muối ấm giúp làm sạch mũi, thông thoáng đường thở. Việc chăm sóc dinh dưỡng khoa học, hợp lý, nâng cao sức đề kháng bằng vận động và tăng cường phát triển trí tuệ sẽ là biện pháp hữu hiệu phòng chống viêm mũi dị ứng.

Vào những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là lúc phát sinh nhiều dịch bệnh, nhất là những bệnh về đường hô hấp. Mẹ cần hạn chế đưa trẻ tới những nơi đông người như công viên, khu vui chơi để phòng ngừa khả năng trẻ tiếp xúc với những người mắc bệnh.

Khi trẻ mắc bệnh viêm mũi dị ứng,mẹ cần tuân thủ điều trị, không tự ý sử dụng thuốc theo kinh nghiệm hoặc theo lời khuyên của những người không có chuyên môn.