Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính nối mạng, truy cập vào Facebook cá nhân, bạn sẽ thấy hiện ra hàng loạt địa chỉ bán thực phẩm chế biến sẵn với đủ các món. Người mua hàng chỉ cần lướt face, chốt đơn rồi thanh toán, thời gian giao dịch chỉ trong khoảng vài phút. Rất tiện lợi và nhanh chóng là ưu điểm của phương thức mua bán này, nhất là thời điểm cuối năm khi mọi người đều đang rất bận rộn.

Không chỉ có cá nhân, cửa hàng bán lẻ mà nhiều siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cũng đẩy mạnh bán hàng online trong dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù giá cả đắt hơn so với ngày thường nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì sự tiện lợi của hình thức này.

TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo quy định của NĐ 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ 3 nhóm điều kiện: cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người. Tuy nhiên, việc bán hàng online lại chưa có quy định riêng.

Bán hàng thực phẩm online là hình thức kinh doanh mới và thực ra bán hàng online chỉ là cách để quảng bá thực phẩm còn việc chế biến, vận chuyển và bảo quản thì vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan đến các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm nên bán hàng online không có quy định riêng về điều kiện giấy phép. Tuy nhiên phải có giấy phép của Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Kế hoạch đầu tư” – TS Trần Việt Nga thông tin.

Nhưng trên thực tế, bên cạnh các nhà hàng, cơ sở kinh doanh đồ ăn uống có đăng ký kinh doanh, có chứng nhận an toàn thực phẩm mở bán online vừa bán hàng trực tiếp vừa bán hàng mang đi thì phần lớn các cơ sở bán hàng online nhỏ lẻ theo kiểu gia đình đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được mua bán bằng niềm tin, nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều khó tránh khỏi.

Người tiêu dùng khi quyết định mua bất cứ sản phẩm nào thì phải biết rõ nguồn gốc của sản phẩm đó, xem kỹ nhãn mác. Đối với sản phẩm bao gói phải kín, không được rách, hỏng, có đầy đủ thông tin trên nhãn sản phẩm như tên đơn vị sản xuất, tên thương nhân chịu trách nhiệm, điều kiện bảo quản, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, ngày sản xuất. Người tiêu dùng nên mua ở địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng có thương hiệu… thì mới đảm bảo là mua thực phẩm an toàn” – TS Trần Việt Nga khuyến cáo.