Theo nhiều nghiên cứu, sau khi khỏi, Covid-19 để lại sự mệt mỏi, cảm giác cơ không có lực, người yếu hơn trước, thở dốc, cảm giác hụt hơi, sức thở giảm, mất ngủ, lo âu, trầm cảm nhẹ, rụng tóc, rối loạn vị giác, khứu giác... Một người có thể bị một hoặc nhiều di chứng cùng lúc. Những di chứng này có thể dần cải thiện khi cơ thể tự chữa lành, song cần nhiều thời gian. Nếu chúng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần người bệnh, giảm chất lượng sống, khả năng làm việc của họ.
Để hỗ trợ, góp phần cải thiện và phục hồi sớm các di chứng, y học cổ truyền có hai phương pháp chính là dùng thuốc và không dùng thuốc.
Phương pháp dùng thuốc: Tùy giai đoạn bệnh, triệu chứng, thầy thuốc khám và chọn bài thuốc riêng (có sự gia giảm về thuốc và liều lượng phù hợp) trên từng người bệnh để nâng cao sức khỏe, bồi bổ khí huyết. Người bệnh cần đến thầy thuốc khám để được chẩn đoán và bốc thuốc đúng bài, không nên nghe truyền miệng tự mua thuốc về dùng, dẫn đến "lợi bất cập hại".
Phương pháp không dùng thuốc: Chủ yếu luyện tâm và luyện thể. Cụ thể:
Luyện thư giãn, luyện thiền nhằm ổn định tâm trí, xoa dịu căng thẳng, bảo vệ hoạt động của thần kinh trung ương, thả lỏng các cơ vân và cơ trơn. Người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà theo ba bước như sau:
Bước một: Ức chế ngũ quan (cách chọn nơi yên tĩnh, nằm che mắt).
Bước hai: Tự nhủ cho từng nhóm cơ mềm, giãn ra, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Người bệnh có thể tự nhủ, lặp lại suy nghĩ "tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân nặng và ấm" để giúp cơ thể thư giãn.
Bước ba: Tập trung ý chí theo dõi hơi thở ra vào qua mũi 10 lần. Hơi thở cần thật êm, nhẹ, đều, hoặc tập trung vào đếm số cũng được, giúp việc tập trung ý nghĩ càng ngày càng mạnh lên. Người bệnh có thể đi vào giấc ngủ.
Luyện thể khá đa dạng, bao gồm ăn uống, tập thể dục, tập thở, xoa bóp bấm huyệt, xông hơi... Trong đó, vấn đề ăn uống rất quan trọng. Các món ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, sạch, dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin và khoáng chất. Người bệnh nên ăn đa dạng các món ăn với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Uống đủ 2-3 lít nước lọc hoặc nước trái cây, nước canh, sữa tươi... mỗi ngày tùy theo cân nặng), chia làm nhiều lần trong ngày để cung cấp độ ẩm cho hệ hô hấp. Ăn uống phù hợp không những cải thiện sức khỏe mà còn làm tâm trạng vui vẻ hơn.
Cần ngủ đủ giấc, đều đặn. Ngủ trước 23h là tốt nhất, không nên thức khuya chơi game, đọc báo, chơi điện thoại.
Bên cạnh đó, người bệnh nên tập thở tùy giai đoạn di chứng, bệnh lý nặng hay nhẹ. Động tác đơn giản, thường được sử dụng là thở 4 thời, có kê mông và giơ chân. Mỗi lần tập 10-20 hơi thở. Một ngày tập hai lần. Thực hiện trong tư thế người bệnh nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao khoảng 5-8 cm. Tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.
Thời một: hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng trong 4 giây, hít ngực bụng nở.
Thời hai: giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng. Đồng thời giơ một chân dao động qua lại 4 cái, rồi hạ chân trong 4 giây, giữ hơi hít thêm.
Thời ba: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống trong 4 giây.
Thời bốn: Thư giãn chân tay mềm giãn trong 4 giây, chuẩn bị trở lại thời một.
Ngoài ra, người bệnh có thể tập xem xa và xem gần trên tư thế ngồi hoa sen. Hai bàn tay đan chéo vào nhau và đưa lật lên trên, đầu bật ra sau. Mắt nhìn lên bàn tay ở một điểm cố định của một ngón tay để thấy rõ từng nét. Sau đó, hít vào tối đa, giữ hơi và dao động tay, đầu thân qua lại 2-6 cái, mắt vẫn nhìn theo điểm cố định, thở ra triệt để. Đưa tay lại gần mặt khoảng 5 cm mà vẫn cố nhìn rõ điểm cố định. Thực hiện 3-5 hơi thở là phù hợp nhất.
Hoặc, bạn có thể tập cầm tạ. Hai chân đứng vững, nắm chặt hai quả tạ trong hai tay (nặng vừa sức, khoảng 1-1,5 kg mỗi quả). Đưa hai tay thẳng lên đằng trước và lên trên, dao động trước sau 2-6 cái. Sau đó hạ tay xuống đưa ra phía sau, càng xa càng tốt. Cùng lúc đó thở ra triệt để, cố ép bụng thật mạnh, giữ tư thế ép bụng triệt để 2-3 giây. Làm động tác như vậy 3-5 hơi thở.
Phương pháp xoa bóp bấm huyệt cũng có tác dụng cải thiện di chứng hậu Covid-19. Tuy nhiên, bạn cần đến thăm khám để thầy thuốc chẩn đoán, chỉ định vị trí phù hợp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM