Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong vòng 1 tháng trở lại đây đã tiếp nhận điều trị cho hơn 20 bệnh nhân mắc whitmore.

Anh Bùi Huy Nguyên ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là một trong số đó. Do ảnh hưởng của bão số 3, nhà của anh bị ngập gần hết tầng 1. Sau khi nước rút, trong quá trình dọn dẹp đẩy bùn ra ngoài, không may anh bị thương ở chân. Mặc dù đã cẩn thận tiêm phòng uốn ván tuy nhiên vết thương của anh ngày càng sưng tấy và chuyển nặng.

Anh Nguyên cho biết, anh đã mua kháng sinh uống nhưng vết thương không có hiện tượng thuyên giảm: "Đến ngày thứ 4 thì bắt đầu sốt cao, rồi nó có những cục như cục máu đông nó chạy dọc theo chân. Rất đau. Tôi cũng nghĩ là mình nhiễm một con vi rút lạ gì mà nặng rồi nên không yên tâm tôi mới đi thẳng lên Bạch Mai”.

Sau khi làm các xét nghiệm và thực hiện nuôi cấy vi khuẩn, anh Nguyên được chẩn đoán mắc bệnh whitmore – một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, gây các ổ áp xe trong cơ thể, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Không phát hiện sớm bệnh như anh Nguyên, bà Hà Thị Nhưỡng ở Mường Lát, Thanh Hóa đã phải chuyển rất nhiều cơ sở y tế, bởi các triệu chứng của bệnh whitmore không rõ ràng. Chị Vi Thị Lý con gái bà Nhưỡng cho biết: “Ở nhà mẹ em bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ trong vòng 1 tuần thì sốt nó tăng lên, kéo dài và đau đầu. Có xuống trạm chuyền nhưng không đỡ nên xuống bệnh viện huyện. Cũng không tìm ra bệnh nên chuyển xuống tỉnh, tỉnh bảo nghi bị u não, áp xe não không xác định lại chuyển xuống Bạch Mai. Xuống Bạch Mai thì điều trị bên khoa thần kinh, xong phát hiện nhiễm trùng máu, viêm phổi…mãi mới tìm ra bệnh thì chuyển sang đây”.

Điều đáng nói, sau khi nhập viện, các bác sỹ phát hiện bà Nhưỡng mắc đái tháo đường, tuy nhiên trước đó người bệnh và gia đình không hề hay biết. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến tình trạng bệnh của bà Nhưỡng chuyển biến nặng và khó điều trị hơn.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - GĐ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đợt này 80% bệnh nhân mắc whitmore điều trị tại đây có bệnh nền đái tháo đường, tuy nhiên đa số không biết mình mắc bệnh hoặc biết nhưng không điều trị triệt để.

Bệnh whitmore là gì?

Bệnh Whitmore do vi khuẩn tồn tại trong môi trường bùn đất, nước, đặc biệt, trong điều kiện môi trường sau mưa lũ như hiện nay nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Bệnh diễn biến cấp tính với các biểu hiện điển hình như viêm phổi; nhiễm trùng xương khớp, hệ thần kinh, gan, lách, tuyến tiền liệt; nhiễm trùng huyết; sốc nhiễm khuẩn. Bệnh có thể diễn biến mạn tính với biểu hiện viêm phổi như lao hoặc áp xe nhiều cơ quan như nhiễm khuẩn tụ cầu.

Vi khuẩn gây bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường. Đặc biệt, người có vết trầy xước trên da, nguy cơ lây nhiễm càng cao.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, thời gian qua có sự gia tăng các ca bệnh Whitmore trong đó nhiều bệnh nhân đến từ các địa phương vùng lũ như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các bệnh nhân nhập viện sau khi tiếp xúc lâu với nước và trong quá trình khắc phục lũ lụt có tiếp xúc đất và nước bẩn. Đây có thể là lý do khiến vi khuẩn này xâm nhập cơ thể.

"Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều là người hơn 50 tuổi và có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi... Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng đã có không ít trường hợp mắc bệnh Whitmore bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác khiến việc điều trị không hiệu quả" - BS Cường cho biết.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...

Bệnh khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền như đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ cao mắc bệnh. Tỉ lệ tử vong của bệnh này lên tới 40% nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh Whitmore được điều trị bằng các kháng sinh đặc trị. Bệnh không lây truyền từ người sang người nhưng chưa có vaccine phòng bệnh.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc Whitmore, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo: “Người dân không nên tiếp xúc trực tiếp với đất nước bẩn, ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, vết trầy xước, chảy máu; hoặc người có nhiều bệnh lý nền. Nên mang dụng cụ bảo hộ lao động khi làm nông nghiệp để ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân tay. Các nhân viên y tế, bác sĩ cần đảm bảo bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh, để ngăn chặn tối đa sự nhiễm trùng”.

PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý, hiện nhiều người dân cho rằng bệnh whitmore là bệnh do "vi khuẩn ăn thịt người", đây là quan niệm không chính xác, gây hoang mang trong cộng đồng. BS Cường nhấn mạnh, whitmore chỉ gây các ổ áp xe trên cơ thể và có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị đúng. Chính vì vậy, khi người dân, đặc biệt là các bệnh nhân mạn tính xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt kéo dài không thuyên giản, xuất hiện các ổ áp xe trên cơ thể thì nên đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời.