Cả hai con (một cháu 12 tuổi, một cháu 9 tuổi) đều bị nhiễm Covid-19 với triệu chứng khởi phát là sốt cao, chị Nguyễn Thanh Hương, ở đường Phạm Hùng (Bắc Từ Liêm, HN) rất lo lắng. Trạm y tế nơi chị sinh sống quá tải, không hề có phản hồi sau khi gia đình thông báo, chị Hương đành phải tự mày mò cách chăm con.

Đọc báo, xem tin tức thấy mọi người mách nhau là phải đánh gió, tăng cường vitamin C, vitamin D hay là ăn cháo nóng… chị Hương đều thực hiện. Chị còn đặt mua thêm máy khí dung vốn dùng cho các bé bị viêm phổi để làm cho con mình mỗi ngày 3 lần.

Còn chị Nguyễn Phương Linh ở phố Nguyễn Tuân (Hà Nội) lại sử dụng máy xông tinh dầu lá mùi cho con. “Tinh dầu lá mùi diệt khuẩn tốt hơn chanh xả, rồi cho con rửa mũi 3 lần/ngày, xúc họng liên tục…”, chị Linh chia sẻ.

Bác sỹ Đỗ Tuấn Anh – Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ trẻ em mắc Covid -19 hiện đang tăng rất nhanh. Tuy nhiên, các bố mẹ thường lúng túng trong việc xử lý, thậm chí rối loạn vì có quá nhiều thông tin trên mạng.

Để tránh sự lo lắng thái quá và chủ động khi dịch đang lây lan nhanh như hiện nay, theo bác sỹ Đỗ Tuấn Anh việc đầu tiên là các gia đình chuẩn bị một túi thuốc gồm: thuốc hạ sốt, giảm ho, oresol (sử dụng trong trường hợp trẻ sốt cao mất nước, nôn nhiều) và thuốc giảm ho long đờm.

Qua thực tế cho thấy, biểu hiện lâm sàng của bệnh giống như virus thông thường. Cụ thể, về đường hô hấp trên trẻ có triệu chứng: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau mỏi người, đau mỏi cơ. 30% trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng về đường tiêu hóa. Và một nửa số trẻ nhiễm bệnh kết hợp nhiều triệu chứng như đau đầu, nôn và rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, gia đình có thể chuẩn bị thêm vitamin C hoặc vitamin tổng hợp. Bác sỹ Đỗ Tuấn Anh lưu ý chỉ cần một loại thuốc tránh tình trạng có nhiều gia đình cho con uống cùng một lúc 2-3 loại. Điều này là không cần thiết thậm chí là khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

Có trường hợp tôi hỏi thì nói là cho con uống C sủi, thêm Mutil Vitamin, rồi cả Celine. Tôi đã tư vấn là chỉ giữ 1 loại thuốc thôi, kết hợp với uống thuốc trị triệu chứng và oresol. Thế là sau mấy ngày cháu ổn”, bác sỹ Đỗ Tuấn Anh khuyên bố mẹ nên bình tĩnh.

Hiện nay với trẻ em chưa có thuốc đặc hiệu trong điều trị Covid-19, chính vì vậy, những loại thuốc được quảng cáo, đồn thổi, truyền tai nhau có thể điều trị khỏi Covid-19 đều không nằm trong phác đồ của Bộ Y tế.

“Tôi luôn tư vấn cho các bố mẹ khi có con F0 là không được dùng các loại thuốc này mà chúng ta chỉ cần điều trị triệu chứng theo những thuốc mà tôi đã gợi ý”, bác sỹ Đỗ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngay cả việc xông cho trẻ bằng các loại lá, các bố mẹ cũng chỉ áp dụng cho trẻ trên 5 tuổi. Vì nếu trẻ nhỏ hơn, niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp của trẻ rất mỏng, việc xông trực tiếp vào vùng này sẽ làm hại niêm mạc. Ngoài ra, việc xông này không có tác dụng loại trừ Covid-19 mà chỉ giúp con thông mũi, dễ thở hơn khi có triệu chứng ho, ngạt mũi.

Bác sỹ Đỗ Tuấn Anh cũng lưu ý một vấn đề quan trọng là không dùng kháng sinh cho trẻ khi mắc Covid-19. Vì kháng sinh hoàn toàn không có vai trò gì trong điều trị bệnh.

“Chỉ khi nào trẻ có tình trạng bội nhiễm. Ví dụ chu kỳ của nhiễm Covid-19 là sau 4 ngày trẻ sẽ giảm triệu chứng nhưng nếu thấy trẻ kéo dài trên 4 ngày thì sẽ cần đưa trẻ đi khám để đánh giá xem trẻ có bị bội nhiễm không. Lúc đó bác sỹ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh, liều lượng, liệu trình. Các bố mẹ tuyệt đối không tự tiện dùng kháng sinh qua lời đồn, qua mạng và tự ra hiệu thuốc mua”, bác sỹ Đỗ Tuấn Anh chỉ dẫn.

Với 2 nguyên tắc cơ bản là điều trị triệu chứng và dinh dưỡng hợp lý, bác sỹ Đỗ Anh Tuấn cho rằng, trẻ sẽ có thể nhanh chóng khỏi Covid-19. Các bố mẹ hoàn toàn yên tâm, bởi hiện nay 95% trẻ nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng ở mức độ nhẹ và trung bình.