Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến trong thời gian 60 ngày.

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều; trong đó khẳng định nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước và là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục.

Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà giáo góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.

Mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm:

Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Hoặc nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Ngoài ra, nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, nếu có nhu cầu cũng được cấp. Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu cũng được cấp.

Các nhà giáo có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi bị mất hoặc hư hỏng.

Người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.

Bộ GD-ĐT quy định mẫu giấy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo?

Điều 16 của dự thảo Luật Nhà giáo quy định, các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm; giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở GD-ĐT cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên) và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

Sở lao động - thương binh và xã hội cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục nghề nghiệp) và giảng viên các trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Nhà giáo bị thu hồi trong các trường hợp: có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.

Nhà giáo được nghỉ 8 tuần/năm học

Liên quan đến chế độ làm việc của Nhà giáo, Dự thảo luật quy định, chế độ làm việc là hệ thống các quy định để nhà giáo hoàn thành các hoạt động giảng dạy, giáo dục phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng dẫn thực hành, tham gia học bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn, công tác kiêm nhiệm và các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.

Chế độ làm việc của nhà giáo được xây dựng bảo đảm đúng quy định của Bộ Luật Lao động và phù hợp với hoạt động nghề nghiệp và quy đổi thành thời gian làm việc theo tuần, năm học và thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo.

Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 8 tuần nghỉ ngơi hàng năm và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ Luật Lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Việc bố trí 8 tuần nghỉ hàng năm do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh (đối với giáo dục mầm non, phổ thông), cơ sở giáo dục (đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục nghề nghiệp) quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp điều kiện địa phương và cơ sở giáo dục.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục theo thẩm quyền có thể bố trí nhà giáo thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nhưng phải đảm bảo quy định về chế độ làm việc, phù hợp với năng lực của nhà giáo, đảm bảo công bằng giữa các nhà giáo trong cơ sở giáo dục và có sự đồng thuận của nhà giáo đó.

Bấm vào ĐÂY để xem toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáo