Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ gần đây, tính đến ngày 25/5 thế giới đã ghi nhận hơn 158 người mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận tử vong.

Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Trước tình hình diễn biến bệnh phức tạp, nhiều người lo lắng có cần phải tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ không?

Khẳng định với PV VOV2, BS Trương Hữu Khanh, cố vấn khoa Nhiễm Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, việc tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ ở nước ta thời điểm này là chưa cần thiết.

"Thứ nhất, bệnh này không thể lây lan nhanh như bệnh sởi, tay chân miệng hay Covid-19, mà chỉ là những ca rải rác. Thứ 2 tính chất của con virut này không có thời gian ủ bệnh. Chỉ khi nào phát triệu chứng mới có khả năng lây nhiễm cho người khác. Chứ không như những loại virut khác là chưa phát bệnh đã lây. Thứ 3 là giọt bắn có con virut này nặng hơn so với những loại virut khác cho nên không thể lơ lửng trong không khí cho nên khả năng lây rộng không nhiều" - BS Trương Hữu Khanh phân tích.

Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây truyền từ người sang người là do các giọt bắn, tiếp xúc với dịch cơ thể hay vết thương người bệnh. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hay khăn trải giường và thông qua quan hệ tình dục. Nói cách khác, virus xâm nhập cơ thể qua vết thương, đường hô hấp hoặc niêm mạc ở mắt, mũi, miệng. Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau nhức cơ thể, ớn lạnh và mệt mỏi ở hầu hết bệnh nhân. Những người bị bệnh nặng có thể phát ban và tổn thương trên mặt, bàn tay và các bộ phận khác của cơ thể.

Tuy vậy, theo TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, người dân cũng không nên quá lo lắng mà làm các xét nghiệm không cần thiết, thay vào đó nên duy trì thói quen vệ sinh đúng cách và đeo khẩu trang để phòng bệnh.

"Riêng về đậu mùa khỉ thì người dân không nên quá lo lắng. Đây là căn bệnh lây lan chậm, không nhanh như đậu mùa trước đây; hai là triệu chứng không nặng, tỷ lệ tử vong thấp. Tôi cho rằng những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn là hai yếu tố vô cùng quan trọng…", TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Mới đây, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo chưa cần tiêm đại trà vaccine để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, khi các biện pháp dự phòng như vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời các loại vaccine để ngăn ngừa đậu mùa khỉ có thể gây ra các tác dụng phụ cho người sử dụng.

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, hắt hơi. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.