Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết tính đến giữa tháng 7-2023, các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đã ghi nhận 2.622 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, riêng tỉnh Gia Lai chiếm hơn 50% ca bệnh của khu vực.

Cụ thể từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận trên 1.100 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tập trung tại các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Prông, Đức Cơ, thị xã Ayun Pa và TP Pleiku với 3 type vi rút lưu hành gồm: Dengue I, Dengue II, Dengue IV... Dịch bệnh xảy ra tại 139/220 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố. Huyện Chư Prông và Đức Cơ là hai trong những điểm nóng về sốt xuất huyết hiện nay ở Gia Lai.

Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết mưa nắng đan xen và sự gia tăng của dịch bệnh vào mùa mưa theo chu kỳ hằng năm.

Tuy nhiên hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại Gia lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung hiện còn nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế, địa bàn rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng lưu lượng giao thông, biến đổi khí hậu, nhận thức của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó hệ thống y tế tuyến cơ sở còn yếu về chuyên môn và thiếu về năng lực, thiếu kinh phí cho công tác y tế dự phòng.

Ở các cấp một số địa phương, chính quyền còn chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng; hóa chất, sinh phẩm không được cung cấp kịp thời do khó khăn trong thủ tục mua sắm; máy phun hư hỏng… đã ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2023; duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế