Nhiều bệnh nhân khởi phát bệnh tâm thần
Giữa cái nóng oi ả của mùa hè, bà Nguyễn Thị C ở Hà Nội buồn rầu ngồi chờ làm thủ tục nhập viện cho cháu. Anh Nguyễn Văn T. 38 tuổi, cháu trai của bà, đêm hôm trước phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong trạng thái kích động, hoang tưởng. Bà C kể, trước đây anh T. học rất giỏi, từng có mấy bằng đại học và đã đi làm ở một số công ty. Tuy nhiên, không hiểu vì sao anh bỏ việc và chỉ ở nhà. Mấy năm trước, bố mẹ lần lượt qua đời, anh T. càng sống khép kín hơn. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, bạn bè, người thân không đến chơi, sự hạn chế giao tiếp khiến trạng thái trầm cảm của anh T. càng thêm nặng nề. Mọi người trong gia đình cũng không để ý cho đến khi anh phát bệnh, nói năng lung tung, cả đêm không ngủ, phải nhập viện để điều trị.
Tương tự như anh T, chị Trần Thị H. ở Hà Nội từng có tiền sử bị rối loạn tâm thần nhẹ, gần đây do dịch chị không có việc làm nên không có thu nhập. Cuộc sống cứ quẩn quanh trong nỗi lo âu, căng thằng khiến bệnh lại tái phát. Chị H. mắc chứng hoang tưởng và phải nhập viện điều trị.
Không chỉ anh T. và chị H. thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân khởi phát bệnh tâm thần do lo lắng, căng thẳng, mất việc làm, phải cách ly tập trung, chịu áp lực về kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bác sĩ Phạm Thế Văn – Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, hầu hết các bệnh nhân có vấn đề tâm thần từ trước và đại dịch là một yếu tố kích hoạt, thúc đẩy bệnh diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn.
Trong số các bệnh nhân nhập viện thời gian qua, bác sĩ Văn cũng gặp một số trường hợp có tiền sử loạn thần do rượu, từng được điều trị ổn định, song do căng thẳng hoặc nhàn rỗi, không có việc làm trong mùa dịch nên tiếp tục sử dụng rượu khiến bệnh cũ tái phát. Bác sĩ Văn phân tích, rượu bia có thể nhất thời giúp làm giảm nỗi lo âu, căng thẳng vì dịch bệnh, song để lại nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất cũng như tâm thần. Về lâu dài, người sử dụng sẽ bị lệ thuộc vào rượu, nghiện rượu và dẫn đến tình trạng loạn thần.
Lời khuyên của chuyên gia để vượt qua những lo âu, căng thẳng trong đại dịch
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an trước đại dịch nhất là với các trường hợp phải cách ly y tế tập trung hoặc người không may nhiễm bệnh cũng là phản ứng tâm lý hoàn toàn bình thường. Để vượt qua những rối loạn lo âu, trầm cảm trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, bác sĩ Phạm Thế Văn khuyên mọi người nên tin tưởng vào các biện pháp chống dịch của Chính phủ và các lực lượng chức năng, trong đó có chiến dịch tiêm văc xin phòng Covid-19. Đồng thời nên suy nghĩ tích cực hơn, hi vọng đại dịch sẽ qua đi và nền kinh tế sẽ lại phục hồi.
Với những khó khăn trước mắt như phải nghỉ làm ở nhà, hạn chế giao tiếp, phải cách ly y tế… mọi người hãy cố gắng kết nối với người khác bằng điện thoại, mạng xã hội để giữ tinh thần lạc quan. Đồng thời nên tăng cường luyện tập thể dục, thể thao tại chỗ để giúp giải tỏa những lo âu, căng thẳng, tránh thức khuya, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Với những người có rối loạn lo âu, trầm cảm từ trước hoặc thuộc nhóm dễ lo lắng, nhân cách yếu… khi phải cách ly y tế rất dễ cảm thấy cô đơn, suy sụp tinh thần, thậm chí là trầm cảm. Theo bác sĩ Văn, khi rơi vào tình cảnh như vậy, bạn nên chia sẻ với cán bộ y tế phụ trách khu cách ly để được hỗ trợ tâm lý hoặc điều trị sớm, tránh nguy cơ bệnh khởi phát hoặc tái phát.
Trong đại dịch, những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nhẹ hoặc đã điều trị ổn định vẫn cần duy trì việc uống thuốc điều trị theo đơn bác sĩ đã kê hoặc tái khám định kỳ. Người bệnh không được tự ý giảm, ngừng hoặc bỏ thuốc điều trị. Nếu lịch tái khám định kỳ bị trì hoãn do dịch hoặc thấy xuất hiện các triệu chứng nặng hơn, người bệnh nên liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn từ xa hoặc điều chỉnh thuốc.
Theo bác sĩ Phạm Thế Văn, người thân hoặc bạn bè có thể nhận ra một người đang bị trầm cảm thông qua những biểu hiện như: luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, mất hứng thú, không quan tâm tới mọi chuyện xung quanh; giảm khả năng tập trung chú ý, giảm khả năng tư duy logic; rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống và rối loạn tình dục. Đồng thời, người bệnh mất tự tin và luôn tự hoài nghi về bản thân, luôn dao động giữa các quyết định…Đặc biệt, nếu người đó luôn có cảm giác tội lỗi một cách vô căn cứ và có ý tưởng tự sát thì đây là hai biểu hiện cho thấy nguy cơ rất cao dẫn đến hành vi tự tử. Nếu biết ai đó đang tuyệt vọng và có ý nghĩ gây hại cho chính mình do Covid-19, người thân, bạn bè hãy trò chuyện với họ và giúp họ lấy lại sự cân bằng trong cảm xúc, đồng thời liên hệ ngay với các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần để tránh hậu quả đáng tiếc.