Qua khai thác bệnh sử, bà T. cho biết: khối u đã xuất hiện trên mặt hơn 40 năm trước song bà vẫn chịu đựng. Đến tháng 11 năm 2021, bà T. mới đi khám lần đầu, kết quả: bà bị u tuyến nước bọt dưới hàm trái 5 x 6 cm. Bác sĩ chỉ định mổ nhưng gia đình xin về không điều trị.

2 năm gần đây, khối u phát triển nhanh, mặt trên có kích thước 15 x 20 cm, chân bám rộng 14 x 15 cm khiến bà T. không thể khép miệng và ngẩng đầu lên được. Thế nhưng, chỉ đến khi khối u bị vỡ một phần, chảy nhiều máu, bà T. mới đến bệnh viện địa phương để sơ cứu và được chuyển lên bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

TS.BS. Đàm Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Ngoại đầu cổ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật sớm do khối u đã vỡ, chảy máu gây đau đớn, mất máu, kích thước u lớn và nặng đã đẩy lệch đốt sống cổ số 4-5, dính tuyến mang tai trái, khớp xương hàm bị đẩy lệch, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Cũng theo TS.BS Đàm Trọng Nghĩa, quá trình gây mê và phẫu thuật phải đối mặt nhiều yếu tố bất lợi như: thể trạng bệnh nhân gầy gò, cao tuổi, mạch máu tăng sinh nhiều ở khối u. Khu vực phẫu thuật tại vùng đầu cổ, có nhiều động tĩnh mạch cảnh, dây thần kinh của đám rối thần kinh, đòi hỏi ekip gây mê và phẫu thuật phải phối hợp linh hoạt nhằm hạn chế tối đa chảy máu, kiểm soát đường thở. Đồng thời, việc tạo hình thẩm mỹ che vùng khuyết hổng lớn sau cắt u cũng được chú trọng với mong muốn đảm bảo chất lượng cuộc sống sau này cho người bệnh. Khối u lấy ra có trọng lượng gần 3kg.

Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện được bình thường. Những gánh nặng về tâm lý và khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày của hơn 40 năm qua đã được trút bỏ.