Theo TS.BS Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật các bệnh truyền nhiễm bị quên lãng của WHO, cúm gia cầm nguy hiểm hơn Covid-19 vì khả năng virus biến đổi nhanh hơn.
Với 18 loại kháng nguyên H, 11 kháng nguyên N, virus cúm có thể tổ hợp lại thành gần 200 chủng virus khác nhau. Đặc biệt, ổ chứa virus là gia cầm, loài động vật thường được nuôi gần con người, có thể thích nghi với người, độc lực cao hơn các virus đường hô hấp khác và lây truyền nhanh hơn Covid-19. Từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 đến nay chúng ta đã chứng kiến 4 đại dịch cúm lớn, xen kẽ đó khoảng mỗi chu kỳ 10 năm lại phát hiện một virus cúm mới gây dịch.
Ở khu vực Đông Nam Á, VN và TQ luôn là điểm nóng về cúm gia cầm, điều này liên quan đến các lý do: là những nước có tổng đàn gia cầm lớn và có tập quán nuôi gia cầm gần nơi sinh sống, giết mổ gia cầm không an toàn... Khi virus cúm gây bệnh cho gia cầm, đặc biệt lưu hành ở quy mô lớn như vậy sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền từ sang người. Ngoài gia cầm, chim hoang dã cũng là nguồn lây bệnh.
Xuất phát từ những yếu tố nguy cơ này, sau khi nước ta ghi nhận 2 ca mắc cúm A/H5N1 và H9, TS.BS Vũ Quốc Đạt cho rằng "cần phải giám sát vì khả năng biến đổi thường xuyên của virus cúm gia cầm. Hiện nay chưa có bằng chứng virus này dễ dàng lây từ người sang người nhưng chúng ta cần nhận thức và cảnh báo về nguy cơ này. Cần nhắc lại rằng, năm 2002, dịch SARS xuất hiện thì ngay năm 2003, chúng ta đã đối mặt với dịch cúm gia cầm. Vì thế nếu không giám sát tốt các bệnh do cúm thì dễ lặp lại lịch sử...".
Với cúm A/H5N1 chúng ta đã biết đây là chủng cúm có độc lực cao, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người, nhưng thông tin về cúm A/H9 đến nay còn quá ít, chúng ta chưa biết độc lực cúm A/H9 có tăng không, vì thế không thể chủ quan. TS.BS Vũ Quốc Đạt nhấn mạnh, với cúm gia cầm nói chung, cúm A/H9 nói riêng, chỉ có thể chẩn đoán chính xác thông qua xét nghiệm, vì thế ông khuyến cáo:"Những bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng cấp tính, suy hô hấp tiến triển nhanh mà có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hoặc sống trong khu vực có thông tin về gia cầm ốm, chết thì sẽ phải làm xét nghiệm để chẩn đoán. Với cộng đồng, nếu bản thân hoặc người thân trong gia đình từng tiếp xúc với gia cầm, chế biến hay ăn thịt gia cầm ốm hoặc xung quanh nơi ở có gia cầm chết hàng loạt sau đó xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp, nhất là các trường hợp có biểu hiện nặng thì phải thông báo với nhân viên y tế để được ghi nhận yếu tố dịch tễ, được làm xét nghiệm...".
Hiện nay chúng ta mới có vaccine phòng bệnh cúm mùa cho người, chưa có vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, do đó để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp đã được Bộ Y tế khuyến cáo./.