“Cháu đến viện khám bác sĩ bảo đã áp xe ruột thừa rồi, chỉ định mổ cấp cứu luôn….”

“Tôi cũng rất ngại cho con đi viện nên khi con bị sốt thì có cho uống hạ sốt. Nhưng đến trưa con đau bụng quá không chịu được, gia đình cho đi khám thì BS bảo bạn ý bị ruột thừa và đã vỡ…”

Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp trẻ bị viêm ruột thừa không được phát hiện sớm. Nguyên nhân do cha mẹ chủ quan không nghĩ trẻ có thể bị viêm ruột thừa và do các biểu hiện của bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa ở trẻ. Tuy nhiên, theo TS. BS Lê Thị Lan Anh – PGĐ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả trẻ nhỏ:“Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, chúng tôi đã gặp những trường hợp bị viêm ruột thừa khi còn rất nhỏ từ 2-5 tuổi và việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở lứa tuổi này rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân gây viêm ruột thừa có thể viêm ruột do táo bón sau đó viêm lan đến ruột thừa…”.

Viêm ruột thừa là tình trạng xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn và gây viêm. Điều này bao gồm tắc nghẽn do phân cứng, nhiễm trùng hoặc viêm ở các hạch bạch huyết nằm trong ruột. Theo Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật nội soi và tiêu hóa Hoa Kỳ, có 70.000 trẻ em bị viêm ruột thừa ở Hoa Kỳ mỗi năm. Theo một số nghiên cứu, khoảng 20% đến 30% trường hợp trẻ em bị vỡ ruột thừa do phát hiện muộn. Do vậy cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu sớm ở trẻ như sau:

-Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau bụng, ban đầu đau ở xung quanh rốn, sau đó chuyển sang vùng bụng dưới phía bên phải (hay còn gọi là hố chậu phải) kèm theo các triệu chứng như cảm giác chán ăn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy và căng cứng cơ bụng. Mức độ đau tăng lên khi trẻ di chuyển, ho, hắt hơi và thở sâu.

-Trong giai đoạn đầu vừa khởi phát, trẻ hay sốt nhẹ khoảng 38,5 độ C. Ở giai đoạn muộn, đã hoá mủ, hoại tử, hoặc đã thủng thì cảm giác đau bụng của trẻ tăng lên, phạm vi bị đau không còn khu trú ở hố chậu phải mà lan rộng khắp bụng, kèm theo sốt cao 39 – 40 độ C. Lúc ấy ấn vào bụng, cơ bụng căng cứng mà các bác sĩ thường gọi là phản ứng thành bụng hoặc sờ thấy một khối u phía bên phải bụng dưới.

Đau ruột thừa có diễn biến rất nhanh vì vậy nếu không được điều trị, cấp cứu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng thường gặp nhất là ruột thừa bị vỡ gây tình trạng viêm phúc mạc, hoại tử hoặc nhiễm trùng máu… Khi bị biến chứng, trẻ sẽ có những dấu hiệu như sốt cao, tụt huyết áp, rét run, chướng bụng… Đây là tình trạng rất nguy hiểm vì trẻ có thể bị sốc nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.

BS Lê Thị Lan Anh khuyến cáo khi trẻ có những dấu biệu bất thường về đường tiêu hóa như nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa nhi hoặc ngoại khoa để trẻ được chẩn đoán sớm, không nên tự ý mua thuốc giảm đau hay thuốc tiêu chảy cho trẻ uống vì điều này sẽ khiến tình trạng bệnh của trẻ trầm trọng hơn.