PV: Thưa bà, theo ý kiến của bà thì đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thuốc?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan: Tôi nghĩ rằng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó ngại đấu thầu là lý do chính. Vì sao lại như vậy ư? Cái khó là về mặt thể chế, thuốc phải hợp pháp mới được, phải đấu thầu, số đăng ký chưa gia hạn, hoặc số đăng ký chưa cấp mới là thuốc chưa hợp pháp thì chưa thể buôn bán hay làm gì được. Nên dẫn đến sự chậm trễ và ảnh hưởng đến toàn chuỗi. Sau dịch bệnh mọi thứ đều khan hiếm trong đó có thuốc và vật tư y tế, nếu đi mua thuốc mà cứ chờ đủ thủ tục, thời gian sẽ rất lâu, nhà sản xuất sẽ bán cho những người khác. Như vậy nếu nói là thiếu phải cung cấp ngay lập tức thì làm sao mà cung cấp kịp. Thứ hai là do chậm cấp số đăng ký của cơ quan chức năng. Ở nhiều nước trên thế giới không phải lo về việc cấp số đăng ký nhiều như mình, mấy chục ngàn số đăng ký chờ cấp đã gây ra quá tải và từ đó lại nảy sinh cơ chế xin - cho, tiêu cực cũng vì thế nảy sinh. Yếu tố chủ quan là do cơ chế mua sắm có vấn đề. Tâm lý lúng túng, sợ sai sót của nhân viên y tế trước những sự cố gần đây liên quan đến thanh kiểm tra, điều tra về đấu thầu, mua sắm cho thấy rõ điều này.

Phóng viên: Thế nhưng từ trước tới nay cơ chế vẫn có, vẫn như vậy nhưng nay sao lại thiếu, thưa bà?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan: Đúng là từ trước tới nay đều là như vậy nhưng khi dịch bệnh xảy ra nó như giọt nước làm tràn ly. Cùng với đó, giờ đây còn do tâm lý, sợ làm sai nên không làm nữa. Tôi nói ví dụ, trước nếu bệnh viện này thiếu thuốc này, vật tư y tế kia thì mượn tạm một bệnh viện nào đó thân quen để đắp đổi qua lại vì cái đầu tiên là phải phục vụ người bệnh, tiếp đến tính sau. Nhưng nay sợ trách nhiệm, không ít vấn đề nan giải, nhiều đơn vị sau dịch bệnh tới nay vẫn chưa được thanh toán tiền.

Phóng viên: Vậy để có giá thuốc hợp lý thì đấu thầu có phải là duy nhất không?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan: Đấu thầu không phải là duy nhất để có giá thuốc hợp lý, chúng ta nếu bớt được đấu thầu ở một số lĩnh vực thì bớt đi, nếu không chúng ta cũng phải có nghiên cứu để đánh giá lại liệu đấu thầu có tiết kiệm gì cho ta hay không?

Phóng viên: Theo bà, quy trình đấu thầu hiện nay tồn tại những bất cập, thiếu hợp lý nào?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan: Chúng ta đang đấu thầu theo hình thức các bệnh viện căn cứ vào số lượng tiêu thụ, danh mục thuốc hàng năm để lên kế hoạch mua sắm. Sau đó, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Chính giá trúng thầu đó lại trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Trong khi đó, nguyên lý của đấu thầu là giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch - có nghĩa là qua từng năm thì giá này sẽ thấp dần. Vậy, đến một lúc nào đó giá trị viên thuốc còn lại bao nhiêu?

Càng ngày, những công ty thuốc chất lượng tốt, giá cao sẽ càng không thể tham gia cuộc đua. Điều này cũng gây hại cho sự phát triển của công nghiệp dược, khó phát triển bền vững, bởi chúng ta không thể phát triển những mặt hàng chất lượng khi giá cả càng lúc càng phải rút xuống. Luật đấu thầu khi mà xây dựng tiêu chí kỹ thuật của thuốc không có phần đánh giá điều trị của các bác sĩ nên trăm hoa đua nở.

Trên thị trường hiện có 2 loại là thuốc generic - tức thuốc đã hết hạn bản quyền thông thường 20 năm, cho phép tất cả công ty dược khác có quyền khai thác, sản xuất với tên biệt dược riêng để bán với giá rẻ hơn thuốc gốc. Loại thứ hai là thuốc gốc (brand name) là sản phẩm độc quyền giá cực kỳ đắt, bởi các hãng đã đầu tư nghiên cứu rất nhiều và nó mắc trên toàn thế giới chứ không riêng gì nước nào. Những thuốc này gần như chỉ định đầu, bởi chỉ có một mình nó thôi. Đấu thầu với các thuốc gốc là vô nghĩa mà chỉ có thể thực hiện thương lượng ở tầm mức quốc gia với các hãng dược quốc tế.

Như vậy nếu chúng ta áp dụng quy chế đấu thầu, chọn đồ rẻ nhất thì chất lượng rất có vấn đề. Cả thuốc và vật tư y tế và hóa chất tiêu hao đều thế.

Phóng viên: Nhưng thưa bà, đấu thầu bao giờ cũng đấu về kỹ thuật rồi mới đấu về tài chính chứ không phải bao giờ giá rẻ cũng là thắng?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan: Đúng là như thế, nhưng tất cả tiêu chí kỹ thuật như tôi đã nói về thuốc, không có điều gì để đo về hiệu quả điều trị, sự hài lòng của bác sĩ và bệnh nhân. Đấu thầu, đấu giá chỉ là phương tiện, mục tiêu cao nhất là làm sao để người bệnh hài lòng và hiệu quả điều trị ra sao mà bệnh viện phải là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp vấn đề đó. Thế thì tại sao không để cho bệnh viện tự chủ trong chuyện này? Chẳng có nước nào có đấu thầu như của ta để rồi một loại thuốc trúng đấu thầu đủ thủ tục phải mất mấy tháng trời.

Thực tế có Luật Đấu thầu nhưng vẫn không kiểm soát được tiêu cực. Cần hiểu bản chất của đấu thầu là làm sao cho nhà nước chi trả mức giá rẻ nhất, tránh tình trạng “bắt tay nhau” dùng tiền ngân sách đi mua giá trên trời, vậy thôi. Thế thì tốt nhất là nên làm theo định suất trả cả gói như vậy cho bệnh viện, như đã đề nghị.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.