Sáng nay (27/12), tại Hà Nội, Công ty cổ phần phát triển và hội nhập HASU (với sự hỗ trợ kỹ thuật từ YEUMOM - Viện LIGHT) tổ chức buổi lễ giới thiệu Đề án “Chuyện của Mom” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho phụ nữ sau sinh, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tinh thần, trên cơ sở đó góp phần cải thiện thực trạng sức khoẻ bà mẹ và trẻ em Việt Nam.

Trao đổi với Phóng viên VOV2, bà Ngô Thùy Anh, Giám Đốc Công ty cổ phần phát triển và hội nhập HASU cho biết, Đề án “Chuyện của Mom” - Mom ’s Story được các đối tác cùng xây dựng và cam kết thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (24 tháng): Từ 01/01/2024 đến hết 31/12/2025 và Giai đoạn 2 (36 tháng): Từ 01/01/2026 đến hết 31/12/2028.

Giai đoạn 1 được tổ chức tại Hà Nội và Hải phòng (02 tỉnh/thành phố). Giai đoạn 2 được tổ chức tại 10 tỉnh/thành phố trong đó có Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 1 số tỉnh thành phù hợp Dự kiến tiếp cận trong giai đoạn 1 gần 111.000 người thông qua các hoạt động trực tiếp và trực tuyến.

Bên cạnh việc nâng cao kiến thức và kỹ năng của phụ nữ sau sinh về chăm sóc sức khoẻ tinh thần - sức khoẻ sinh sản/ sức khoẻ tình dục, kỹ năng, cải thiện các mối quan hệ gia đình; đề án “Chuyện của Mom” còn góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ ban ngành đoàn thể (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...), người có ảnh hưởng trong cộng đồng về chăm sóc sức khoẻ toàn diện của phụ nữ sau sinh, đặc biệt là sức khoẻ tinh thần; đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ và trẻ em tới các cơ sở cung cấp Dịch vụ và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ phù hợp.

Trong hơn 40 năm qua, Chương trình Dân số - KHHGĐ với những nỗ lực giảm sinh đã có tác dụng làm giảm tỷ suất sinh ở VN. Tuy nhiên số liệu thống kê của Tổng cục Dân số cho thấy mức sinh đang có xu hướng tăng cao trở lại trong những năm gần đây, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID, hơn ½ số tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số chiếm 40% dân số cả nước. Mức sinh thay thế ở khu vực nông thôn tăng từ 2,11 con (2010) lên 2,29 con (2020), vùng đồng bằng sông Hồng tăng từ 2,04 con (2010) lên 2,34 con (2020). Có đến 33/63 tỉnh thành phố có mức sinh trên 2,2 con. Tình hình kinh tế xã hội ngày càng phát triển cũng gắn liền với việc tăng nhu cầu về việc có thêm con, nhất là ở các đô thị lớn.

Ngoài mức sinh tăng cao, Việt Nam cũng đối mặt với thực trạng về trọng nam khinh nữ - điển hình là hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh, khi tỷ số trẻ em trai/trẻ em gái đang ở hàng cao trên thế giới (110 trẻ em trai/100 trẻ em gái). Điều này cũng dẫn đến hệ luỵ là áp lực tâm lý rất lớn đối với người phụ nữ, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị, mang thai, sinh con và sau sinh.

Trên thực tế, 37% người từ 18 - 34 tuổi không xem sức khỏe của họ là ưu tiên hàng đầu. Theo các nghiên cứu thì khoảng 37% phụ nữ cảm thấy xấu hổ về sự thay đổi của cơ thể mình sau khi sinh con, 30% - 40% phụ nữ trải qua các rối loạn tâm trạng sau sinh, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng, áp lực sau sinh.

Các dịch vụ và vấn đề dành cho phụ nữ mang thai, sau sinh và nuôi con dưới 5 tuổi: Tại Việt Nam, ngày càng phát triển mạnh những sản phẩm, dịch vụ dành cho mẹ và bé. Các cơ sở y tế cả công và tư cũng đều chú trọng các gói Dịch vụ liên quan đến sinh nở, tắm bé.

Tuy nhiên theo bà Hồ Minh Trâm, Giám đốc vận hành hệ thống Light Family, trong khi các loại hình dịch vụ và sản phẩm dành cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đang phát triển khá nhanh, thì một mảng lớn dịch vụ quan trọng ít được quan tâm là: chăm sóc toàn diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bà mẹ sau sinh, dường như sau khi sinh nở, người phụ nữ đã trở nên “yếu thế”, ít được chú trọng.

Trong các gia đình, đa số sự quan tâm chú ý và nguồn lực tài chính dồn vào đứa trẻ được sinh ra, trong khi người mẹ - sau khi trải qua giai đoạn dài có những thay đổi lớn về sức khỏe thể chất, tinh 3 thần và xã hội, thì lại ít được quan tâm. Các vấn đề về tâm lý, sinh lý thay đổi trong giai đoạn này có thể gây nên những hậu quả rất trầm trọng, thậm chí kéo dài suốt cả cuộc đời, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của người mẹ cũng như cả cho em bé, và cả gia đình.

Chính vì vậy ngay cả những phụ nữ đã sinh con nhiều năm cũng là những người chịu tác động mạnh và lâu dài bởi sự thiếu hụt trong chăm sóc sức khỏe thể chất - tâm lý - xã hội thời kỳ sau sinh.

Bà Bùi Thị Minh Hoa, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mastertran – thương hiệu DoppelHerz tâm đắc với các hoạt động và tác động của Đề án: Đề án “Chuyện của Mom” - Mom ’s Story thông qua các buổi tọa đàm trực tiếp - trực tuyến do các chuyên gia về sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng-tâm lý thực hiện và đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt là những người có uy tín, có kiến thức và kỹ năng, các cán bộ Hội phụ nữ tại địa bàn dự án.

Từ đó, Đề án có cơ hội để truyền thông, cung cấp các sổ tay - tờ rơi kiến thức, kỹ năng tới những phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang trong thai kỳ và nuôi con dưới 5 tuổi về các vấn đề nêu trên từ đó góp phần nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ của cộng đồng - gia đình trong chăm sóc thể chất và tinh thần cho phụ nữ, góp phần gia đình hạnh phúc hơn. Như vậy trẻ em và người thân, cả cộng đồng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

Các đơn vị thực hiện đề án cũng mong muốn sự chung tay góp sức của các tổ chức xã hội, các đơn vị kỹ thuật, doanh nghiệp, cộng đồng… để cùng giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe toàn diện, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tinh thần cho phụ nữ sau sinh, tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các thông tin, giáo dục kỹ năng và tiếp cận dễ dàng hơn tới các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp và có chất lượng./.