Vợ chồng chị Nguyễn Thị Được ở tỉnh Thái Bình có 3 người con, không may ở lần sinh thứ 3 này, con gái của anh chị bị bệnh tim bẩm sinh. Thương con nên hầu như tất cả số tiền dành dụm được, anh chị đều dành hết để điều trị cho con, thế nhưng, sức khỏe của bé cũng không cải thiện. “Cháu được 1 tuổi rồi, ăn đầy đủ chất nhưng yếu xương, không hấp thu được. Bây giờ cháu được cỡ 5,5kg thôi, không thể lẫy, bò hay biết phản ứng khi có người nói chuyện. Nhiều khi chơi đùa, cười thôi cháu cũng ngất xỉu…” – chị Được chia sẻ.

Sau tất cả những nỗ lực của bác sĩ và gia đình, thời gian qua, rất nhiều trẻ đã được cứu sống nhờ được phẫu thuật can thiệp sửa dị tật tim bẩm sinh. Song, các bé vẫn khó có thể khỏe mạnh như bao trẻ khác. Trường hợp của bé nhà anh Vũ Văn Nam ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là ví dụ điển hình. Hai vợ chồng làm nụng vất vả cả năm dành dụm ít tiền cho con được phẫu thuật nhưng hiện nay sức khỏe của bé vẫn không thể khỏe mạnh như những trẻ bình thường khác.

TS.BS Đinh Thúy Linh – Phó Giám đốc Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 1% trẻ bị dị tật tim bẩm sinh trong tổng số trẻ sinh ra. Ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mỗi năm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 400 em bé mắc bệnh lý tim bẩm sinh trong tổng số khoảng 40.000 ca đẻ.

Bệnh lý tim bẩm sinh thường xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nguyên nhân có thể do thai phụ sử dụng một số loại thuốc, tiếp xúc với một số tia xạ hoặc mắc một số bệnh gây ra tình trạng tim bẩm sinh ở trẻ. “Trẻ càng được phát hiện sớm thì càng có cơ hội được cứu sống và nâng cao chất lượng cuộc sống sau này bởi vì có những bệnh lý tim bẩm sinh, ngay sau sinh bệnh nhi sẽ phải có chế độ chăm sóc hồi sức hết sức tích cực phối hợp giữa bác sĩ sản khoa và các bác sĩ về tim mạch của bệnh viện nhi TW thì mới có thể hồi sức cấp cứu và thậm chí nhiều trẻ được phẫu thuật ngay sau sinh thì mới có thể cứu sống - TS.BS Đinh Thúy Linh cho biết.

Một số trường hợp tim bẩm sinh sau khi phát hiện có thể theo dõi và sau đó lên kế hoạch mổ khi trẻ cứng cáp, đạt khoảng 5kg cân nặng. Như vậy, với bệnh lý tim bẩm sinh, việc điều trị cần chiến lược lâu dài và lên kế hoạch ngay thì mới có đủ thời gian và không bỏ qua giai đoạn vàng để cứu sống trẻ.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ phát hiện và điều trị muộn cho trẻ thì sẽ để lại những di chứng đối với sức khỏe của trẻ, thậm chí nhiều trẻ không có khả năng phẫu thuật dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, trước sinh và sau sinh, chúng ta cần phải đi khám sàng lọc sớm bệnh lý tim bẩm sinh của trẻ.

Theo TS.BS Đinh Thúy Linh, trước sinh, các thai phụ nên thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ về siêu âm sàng lọc dị tật của thai nhi ở các giai đoạn:

-Thứ nhất, ở tuổi thai từ 11-13 tuần, 3 tháng đầu, có thể phát hiện một số bệnh lý tim bẩm sinh nghiêm trọng;

-Thứ hai là từ 18-22 tuần, ở giai đoạn này, các bác sĩ thực hiện khảo sát siêu âm cấu trúc tim để phát hiện tình trạng nặng bệnh lý tim bẩm sinh của trẻ và có tư vấn cho gia đình cũng như xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu hơn để phát hiện những bệnh lý di truyền, tức là tìm nguyên nhân của những bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ.

-Giai đoạn thứ ba là từ 28-32 tuần, tại thời điểm này ngoài việc đánh giá sự phát triển của thai nhi, các bác sĩ tiếp tục khảo sát lại tất cả những cấu trúc của em bé, đặc biệt là các vấn đề về bệnh lý tim bẩm sinh và những trường hợp tổn thương nhỏ mà đôi khi có thể bỏ sót ở những giai đoạn tuổi thai nhỏ. “Ngoài lịch siêu âm thường quy thì 3 mức siêu âm đó là 3 mức siêu âm hình thái rất quan trọng của thai kỳ để giúp phát hiện tất cả những bất thường của trẻ, đặc biệt là nhóm bệnh tim bẩm sinh và sau sinh. Khi em bé được sinh ra, các thai phụ nên tiếp tục sàng lọc tim bẩm sinh nữa cho trẻ, có thể sàng lọc tim bẩm sinh dựa trên SPO2 của trẻ qua da để phát hiện một số bệnh tim nghiêm trọng” – TS.BS Đinh Thúy Linh nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, việc siêu âm không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà ngược lại còn có thể sớm phát hiện bệnh tim bẩm sinh của trẻ để cha mẹ có phương pháp chăm sóc hợp lý và bác sĩ lên kế hoạch điều trị kịp thời và tốt nhất cho trẻ. Vì vậy, khi có thai, các mẹ nên đến các cơ sở y tế có uy tín để được theo dõi sức khỏe và tầm soát các dị tật bẩm sinh, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh ở trẻ.