Ngày cuối năm, ông Trần Thiện Thuận đi qua quán bia hơi trên phố Quán Thánh Hà Nội, hương thơm của bia và các món nhậu quá hấp dẫn khiến ông không kiềm chế được cơn thèm. Uống bia xong, về nhà, các con cháu lại tổ chức liên hoan tất niên với nhiều món ngon khó cưỡng khiến ông không thể kiềm chế, “thả mình” ăn uống thoải mái. Thế nên, ra Tết, sức khỏe thường hay giảm sút.

“Năm ngoái, sau tết, bẵng đi 3-4 tháng tôi lới lỏng không rà soát kiểm tra hằng ngày. Lúc vào Bệnh viện TW Quân đội 108, bác sĩ kiểm tra bảo nằm viện ngay vì có hiện tượng biến chứng” – ông Trần Thiện Thuận kể.

Trường hợp của ông Trần Thiện Thuật cũng giống như nhiều người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính khác. Ngày thường họ có thể kiêng uống rượu bia, nhưng đến Tết do gia đình tổ chức tiệc có đông đủ con cháu, bạn bè, mỗi người chúc một câu, uống một ly khiến họ khó có thể kiểm soát được bản thân.

BS Hà Thị Vân Anh – Phó Trưởng khoa khám bệnh, BV Lão khoa TW cho biết, hằng năm, sau Tết, bệnh nhân nhập viện thường tăng, chủ yếu là các bệnh huyết áp, dị ứng và khởi phát những cơn gout cấp.

Có nhiều nguyên nhân, vì có một số bệnh nhân trước tết tạm ổn định, Tết cho ra viện thì sau tết nhập lại. Ngoài ra có bệnh nhân quên thuốc khi đi du lịch, đi chơi, không duy trì điều trị, ăn nhiều đồ mỡ, tinh bột.

“Đối với những bệnh nhân sức khỏe yếu hơn lại không duy trì vận động, ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe. Vì vậy, tôi khuyên bệnh nhân dù là Tết vẫn nên vận động, nếu thời tiết lạnh, không ra ngoài được thì chọn tập trong nhà, những người khỏe hơn thì đi bộ, đạp xe, chọn bài tập phù hợp với sức khỏe. Đối với người cao tuổi, việc duy trì vận động rất quan trọng để tay chân không bị cứng, tránh khi bị ngã gây ra những chấn thương nặng, giúp khớp linh hoạt cũng như điều hòa vấn đề tim mạch và đường huyết. Uống nhiều nước cũng là một cái rất quan trọng trong thời tiết lạnh như thế này. Việc bệnh nhân đi khám sức khỏe khi có dấu hiệu bất thường là việc nên làm trong cả ngày lễ. Ở khoa khám bệnh nghỉ tết nhưng khoa cấp cứu và khoa nội trú làm việc 24/24 giờ thì bất kỳ thời điểm nào kể cả đêm giao thừa vẫn tiếp nhận bệnh nhân đến khám để kịp thời điều trị” - BS Hà Thị Vân Anh khuyến cáo.

Về vấn đề rượu bia, BS Hà Thị Vân Anh khuyến cáo người cao tuổi không nên lạm dụng, vì có thể gây giãn mạch dẫn đến hạ thân nhiệt, ảnh hưởng đến thần kinh trung ương.

Những ngày Tết và sau Tết, thời tiết lạnh và nồm ẩm nhiều nên người cao tuổi cũng chú ý mặc ấm nhưng quần áo đảm bảo thoáng, không mặc đồ bó chặt quá, tránh cho việc ra mồ hôi rồi ngấm trở lại dễ gây ho và viêm phế quản. Khi ra đường nên đeo khẩu trang thoáng, không dùng khăn bịt kín mặt, làm như vậy dễ ra mồ hôi, khi hít vào thì đồng thời cũng dễ bị nhiễm lạnh.