Theo một số nghiên cứu, mỗi năm nước ta ghi nhận trên 4.000 ca mắc mới và gần 3.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV - một loại virus gây u nhú ở người.
Ung thư cổ tử cung được coi vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như đời sống tinh thần của phụ nữ. Ở giai đoạn sớm, bệnh lý này không có triệu chứng điển hình, đến khi được phát hiện, đa số bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn.
Theo các chuyên gia y tế, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vaccine HPV cũng như khám sàng lọc để phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn tiền ung thư.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó vaccine HPV sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2026, dự kiến tiêm cho trẻ em gái học lớp 6 và cùng độ tuổi.
Nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung; và 90% phụ nữ bị tiền ung thư hoặc đang bị ung thư cổ tử cung được điều trị đầy đủ.
Theo PGS-TS – BS Lê Thị Anh Đào Trưởng khoa Phụ A5 – BV Phụ sản Hà Nội, virus HPV có hơn 140 type, trong đó có khoảng 40 type có thể gây viêm nhiễm vùng sinh dục và một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, hậu môn, vòm họng, dương vật, âm hộ và âm đạo. Vaccine HPV có khả năng phòng ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV dành cho tất cả các giới.
Vaccine HPV đã được trải qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cũng như thực tế ở nhiều nước trên thế giới để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả sinh miễn dịch. Hiện chưa có báo cáo nào về các tai biến hay biến cố nghiêm trọng liên quan đến loại vaccine này. Khi tiêm, trẻ có thể gặp một số phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau và ngứa tại vết tiêm, tuy nhiên triệu chứng này sẽ mất sau 1-2 ngày. Một số trẻ vị thành niên có thể cảm thấy hơi hoa mắt, chóng mặt do yếu tố tâm lý nên cần được theo dõi khoảng 15 phút sau khi tiêm chủng.
Ngoài trẻ em gái ở độ tuổi 11 như chỉ định của chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện nay, vaccine HPV được chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ, bé trai và nam giới từ 9-26 tuổi. Trên thế giới, một số quốc gia còn mở rộng tiêm loại vaccine này cho cả nam và nữ từ 9 – 45 tuổi.
“Hiện nay có 2 loại vaccine phòng ngừa HPV. Loại thứ nhất phòng được 4 type HPV là 6, 11, 16, 18. Hiệu quả bảo vệ của loại này là 100% trong vòng 12 năm. Loại thứ hai phòng ngừa được 9 type HPV là 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 với khả năng bảo vệ lên đến 96,7 % và hiệu quả kéo dài từ khi được sản xuất ra cho đến nay là được 8 năm và có thể dài hơn nữa” – BS Lê Thị Anh Đào cho biết.
Mặc dù hiệu quả bảo vệ của vaccine HPV rất cao song BS Lê Thị Anh Đào khuyến cáo, với những trường hợp đã được tiêm vaccine HPV vẫn cần tầm soát ung thư cổ tử cung và các bệnh lý liên quan đến HPV. Bởi có tới 12 chủng HPV có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, trong khi loại vaccine mới nhất cũng chỉ ngăn chặn được 9 chủng.
“Với phụ nữ đã tiêm vaccine HPV, có thể kiểm tra HPV kết hợp với xét nghiệm PAP (xét nghiệm tế bào) với tần suất từ 3 – 5 năm một lần. Tuy nhiên, với những trường hợp chưa tiêm vaccine HPV thì khoảng thời gian giữa các lần tầm soát sẽ tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, độ tuổi, giới tính và nguy cơ khi quan hệ tình dục. Ví dụ nữ giới ở độ tuổi từ 20 – 30, khi có hoạt động tình dục nhiều thì nguy cơ lây nhiễm HPV rất cao nhưng khả năng thải trừ virus cũng rất cao. Song càng lớn tuổi, quan hệ tình dục thưa dần thì nguy cơ nhiễm HPV cũng ít hơn. Tuy nhiên, nam giới ở mọi lứa tuổi nguy cơ nhiễm HPV đều luôn ở mức cao, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới. Do đó, ngoài việc tiêm vaccine HPV thì quan hệ tình dục chung thủy, ít bạn tình, quan hệ tình dục an toàn là biện pháp tốt nhất giúp bạn phòng lây nhiễm HPV” – BS Lê Thị Anh Đào hướng dẫn.
Bác sĩ Lê Thị Anh Đào cho biết thêm, mới đây tại một hội nghị quốc tế về HPV và bệnh nhiễm trùng sinh dục, đại diện nhiều quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai tiêm chủng vaccine HPV miễn phí, đồng bộ cho toàn bộ trẻ em gái trong độ tuổi 12 để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Hiện nay đã có những quốc gia đã hạ thấp độ tuổi tiêm chủng mở rộng vaccine HPV cho tất cả trẻ em từ 9 tuổi.
Một số quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch gần như loại trừ được bệnh ung thư cổ tử cung do triển khai chương trình này từ năm 2006.
Australia cũng hi vọng xóa sổ căn bệnh này trong vòng 10 năm tới.
Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp tương tự Việt Nam cũng đang đưa vaccine HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng song song với việc sàng lọc ung thư cổ tử cung hướng tới mục tiêu xóa sổ căn bệnh nguy hiểm đang đe dọa sức khỏe của hàng triệu phụ nữ.
Đây là những kinh nghiệm rất đáng quý để Việt Nam nỗ lực bao phủ vaccine HPV, ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cho trẻ em nữ trong tương lai.