Sức hút khó cưỡng của những xe hàng ngoài cổng trường

Tiếng chuông tan học vừa dứt, trước cổng một trường THCS ở Hà Nội, học sinh ùa ra quây lấy các xe hàng rong bán đồ ăn vặt. Ngay trước cổng trường đã có tới ba xe hàng rong với đầy ắp cá viên chiên, bánh gà, nước ngọt, chiếc nào cũng chật kín học sinh giữa khói, bụi bẩn và tiếng còi xe.

Cả con phố trước khu vực cổng trường cứ đến khoảng 5h chiều là thơm nức mũi mùi đồ ăn. Có em thì đứng ăn tại chỗ, nhưng cũng có học sinh mua mang về, chờ bố mẹ đến đón thì ngồi lên xe nhâm nhi coi như món “lót dạ” buổi chiều.

Không chỉ riêng địa điểm này mà hầu hết các khu vực xung quanh các trường học trên địa bàn Hà Nội đều có tình trạng tương tự. Vào lúc 16 giờ 30, tại khu vực trước cổng Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN, các xe hàng bán “xiên bẩn” cũng tập trung rất đông các bạn học sinh, sinh viên.

“Đồ ăn vặt cổng trường có giá thành rất rẻ mà hương vị lại thơm ngon, đa dạng. Sau mỗi giờ tan học bọn em thường rất đói bụng nên những xe hàng rong ngay ngoài cổng trường này như một vị cứu tinh”, em N.V.T, học sinh lớp 11, chia sẻ.

Còn T.P.A, học sinh lớp 12 thì lại cho rằng “Đồ ăn vặt mua ở cổng trường có hương vị ngon hơn ở nhà, có lẽ vì được ăn cùng bạn bè”.

Các loại thực phẩm chiên rán, chế biến tại chỗ hay đồ khô đóng gói sẵn có giá thành dao dộng chỉ từ 2.000 – 10.000 đồng, rất phù hợp với túi tiền học sinh. 2.000 cho những loại xiên nhỏ còn 8.000 – 10.000 đồng cho những loại xiên to, về giá nước ngọt cũng chỉ khoảng 10.000 đồng cho 1 cốc, và các sản phẩm được đóng gói sẵn cũng chỉ có giá từ 2.000 – 5.000 đồng. Giá rẻ chính là một trong những lý do đồ ăn vặt cổng trường có sức hút học sinh dù không ai đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi được hỏi về nguồn gốc và chất lượng của các loại đồ ăn này, người bán hàng rong chỉ trả lời qua loa rằng các mặt hàng này được học sinh ưa thích với giá cả phải chăng nên mới nhập về bán, và "mọi người ăn suốt cũng có thấy ai bị làm sao đâu".

Xiên que được chất đống trên các đĩa inox mà không có gì che chắn, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bụi bẩn, đặc biệt là ở những khu vực đông người qua lại như cổng trường học. Dầu ăn được tái sử dụng nhiều lần cho các loại thực phẩm khác nhau. Người bán hàng trực tiếp dùng tay không chế biến để đảm bảo tốc độ phục vụ, tất cả từ khâu chọn đồ cho đến lên đồ cũng chỉ vọn vẹn vài phút, đáp ứng hoàn hảo nhu cầu ăn uống nhanh chóng của các em học sinh.

Ngoài ra, còn có rất nhiều thực khách nhí lựa chọn mua đồ chiên rán sẵn từ lâu được tẩm ướp nhiều lớp bụi bẩn.

Chị Thu, một phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng chia sẻ: "Tôi rất lo lắng vì không thể kiểm soát được việc con mình có mua đồ ăn vặt bên ngoài hay không. Bản thân tôi thì cũng không cho con tiền để mua quà ăn vặt nhưng có thể là con ăn cùng với bạn, và điều này khiến tôi rất lo ngại".

Nguy cơ từ thực phẩm cổng trường

Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Trang Nhung – Cán bộ Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc và bảo quản không đúng cách tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy.

Thêm vào đó, các xe hàng rong thường chế biến thức ăn ngay tại chỗ, trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, Campylobacter, và các virus như Norovirus phát triển mạnh, gây ra các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Về lâu dài, các thức ăn không đảm bảo vệ sinh còn có thể gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm như tim mạch, gan, thận.

Điều đáng báo động hơn nữa đó là ma túy đang ngày càng được ngụy trang tinh vi dưới dạng các loại thực phẩm hấp dẫn như kẹo, nước ngọt, bánh để tiếp cận giới trẻ. Chỉ một lần vô tình sử dụng cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Do đó, theo chị Nguyễn Thị Trang Nhung, gia đình và nhà trường phải hết sức lưu ý.

An toàn thực phẩm trong trường học là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhà trường và địa phương. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, siết chặt quản lý nguồn cung cấp thực phẩm, loại bỏ ngay những điểm bán hàng không đảm bảo vệ sinh quanh trường để nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.