Nguy cơ cho bé, vất vả cho mẹ
Cháu đầu sinh ra bình thường khỏe mạnh, chị Trần Thu Trang, ở Đông Anh, Hà Nội nghĩ là cứ đến ngày đến tháng con sẽ chào đời. Thế nhưng, 32 tuần chị đã bị vỡ ối không rõ nguyên nhân và buộc phải mổ cấp cứu lấy thai. Em bé chỉ nặng 1,2 kg và cuộc “chiến đấu” của cả mẹ và con bắt đầu từ đây.
1 tháng nằm viện điều trị, con mắc tất cả các bệnh lý trẻ sinh non hay gặp như suy hô hấp, vàng da, thiếu máu… Hai bố mẹ, ngày ba lần rõng rã đưa từng mililit sữa mẹ vắt ra mang đến cho con. Ở viện là “trăm sự nhờ bác sỹ” nhưng khi về nhà, bắt đầu tiếp xúc với môi trường thông thường, con gặp hàng loạt các vấn đề.
“Về nhà được 2 tháng thì 4 lần đi viện vì bị viêm phổi. Thế nên, cân nặng của con chỉ nhích từng lạng một chứ không được như các bạn”, chị Trang chia sẻ.
Các trẻ khác cứ 2 tiếng ăn một lần nhưng con có khi phải 3-4 tiếng mới ăn một lần. Con cũng không tự ti mẹ được mà phải xúc thìa. Lo lắng quá, cộng với việc chăm con vất vả, chị Trang bị mất luôn sữa, con phải ăn toàn bộ sữa ngoài. Sự chật vật, vất cả cứ thế bao trùm trong không gian của một gia đình nhỏ:
“Để ý con từng ly từng tý một. Một tiếng ho của con cũng làm giật mình. Đêm dậy đến 2-3 lần để cho ăn. Ngày nào cũng đau đầu, mất ngủ”, chị Trang bày tỏ.
Vợ chồng chị Nguyễn Thu Hương, ở Thanh Ba, Phú Thọ, hiếm muộn nhiều năm, nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản, may mắn lại mang thai đôi. Mặc dù được bác sỹ cảnh báo, chị thuộc nhóm có nguy cơ sinh non vì đa thai nhưng khi đón 2 con đỏ hỏn, 1 bé 900 gram, 1 bé 1.100 gram, chào đời, cả hai vợ chồng đều lo lắng.
“Hai vợ chồng mong mãi mới có đứa con, chỉ sợ sơ sẩy cháu còn yếu ớt, nhỡ làm sao bố mẹ lại ân hận”, chị Hương lo lắng.
80% trường hợp dọa sinh non có thể trì hoãn được
Mặc dù hiện nay đã có rất nhiều tiến bộ trong việc cứu sống và nuôi dưỡng trẻ sinh non, nhưng trẻ vẫn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe sau này. BS CKII Nguyễn Quỳnh Hương- công tác tại Khoa Sơ sinh – BV Phụ sản HN cho biết: Trẻ sinh non gần như gặp vấn đề ở mọi cơ quan trong cơ thể như hệ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa…. Ngoài ra, các cơ quan như thính giác, thị giác chưa hoàn thiện cần phải can thiệp sớm nếu không sẽ ảnh hưởng sau này.
Chính vì lẽ đó mà các mẹ bầu khi có dấu hiệu dọa sinh non thì cần thực hiện các biện pháp dự phòng để kéo dài thời gian nuôi dưỡng thai nhi trong tử cung mẹ càng lâu càng tốt.
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Sen, BV Nam học và hiếm muộn Việt Bỉ, điều đầu tiên là các thai phụ cần sớm nhận biết các dấu hiệu của dọa sinh non. Đó là:
- Đau bụng từng cơn, tức nặng bụng dưới, đau lưng, có thể ra dịch âm đạo.
- Các triệu chứng thực thể gồm: có cơn co tử cung thưa nhẹ, dưới 2 cơn trong 10 phút, thời gian co dưới 30 giây; Cổ tư cung đóng hoặc mở dưới 2cm.
- Tiến hành xét nghiệm Fibronectin trong dịch âm đạo, cổ tử cung. Nếu dương tính và nồng độ này trên 50 mg/dL thì khả năng xảy ra đẻ non trong vòng 2 tuần sẽ cao hơn khoảng 27 lần so với âm tính.
- Đo chiều dài cổ tử cung, tầng sinh môn: nếu dưới 25mm trong giai đoạn mang thai từ tuần thứ 28-32 thì nguy cơ sinh non là 20%
Khi đã được xác định là đang trong tình trạng dọa sinh non, thai phụ cần thực hiện ngay các việc sau:
- Nghỉ ngơi tại giường, nằm nghiêng trái, hạn chế các kích thích và tránh căng thẳng.
- Đến các cơ sở chuyên khoa và có khả năng nuôi dưỡng trẻ non tháng.
- Không quan hệ tình dục, không lao động nặng
- Ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng, tránh táo báo và không ăn các thực phẩm gây tăng co tử cung như đu đủ xanh, rau ngót.
Ths.Bs Nguyễn Thị Sen, BV Nam học và hiếm muộn Việt Bỉ cho biết, tại nơi điều trị các bác sỹ sẽ sử dụng thuốc giảm co tử cung. Tùy thuộc vào tình trạng của thai phụ, thai nhi và tuổi thai, bác sỹ sẽ có các chỉ định về các loại thuốc: ức chế giao cảm, liệu pháp corticoid, thuốc kháng oxytocin….
“Nguyên tắc chung của điều trị dọa sinh non là làm giảm hoặc cắt cơn co tử cung, trì hoãn hoặc ngưng chuyển dạ trong vòng 48 giờ”, bác sỹ Sen nhấn mạnh.
Thực tế lâm sàng cho thấy, hiệu quả các biện pháp can thiệp này lên đến 80% khi bệnh nhân có dấu hiệu dọa sinh non trong vòng 48 giờ.
“Nếu sản phụ được theo dõi định kỳ, tầm soát các bệnh lý, thì sẽ có biện pháp can thiệp tích cực ngay từ khi mang thai như khâu vòng cổ tử cung, đặt vòng pessary nâng cổ tử cung hay sử dụng thuốc hỗ trợ thai thì thai phụ có thể duy trì đến khi thai đủ ngày đủ tháng”, bác sỹ Nguyễn Thị Sen thông tin.