PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch sốt xuất huyết năm nay có những điểm khác so với mọi năm. Dịch xuất hiện sớm hơn, kéo dài hơn, số ca mắc và ca chuyển nặng đều tăng hơn, trong khi độc lực của virus không thay đổi, chủ yếu vẫn là virus Dengue tuýp 2.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai có 100 giường bệnh nhưng những ngày này thường xuyên có trên 140 bệnh nhân nằm điều trị. 1/3 trong số đó là bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh nhân đến từ các quận, huyện của thành phố Hà nội và đang có xu hướng lan rộng ra các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc v.v…

Đáng lưu ý từ đầu năm đến nay, tại đây đã có 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, trong đó đa phần là người trẻ, không có bệnh lý nền.

Trường hợp trẻ nhất là một bệnh nhân 22 tuổi, có tiền sử khỏe mạnh, nhưng được đưa đến bệnh viện điều trị muộn. 2 trường hợp nữa 45 tuổi và hơn 30 tuổi.“Những trường hợp này rất đáng tiếc vì mặc dù chúng ta có đủ máy móc, trang thiết bị để cứu chữa nhưng bệnh nhân được đưa đến bệnh viện muộn khi đã có dấu hiệu cảnh báo nặng, sốc, suy đa nội tạng và chảy máu” – PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết.

"Người trẻ tuổi, không bệnh nền mà chết vì sốt xuất huyết là điều khó chấp nhận. Để giảm được tử vong do sốt xuất huyết cần tăng cường phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế" - PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Hiện mỗi ngày số lượng bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới vẫn tiếp tục tăng. Ngày 2/10 có 31 ca nhập viện thì có 23 ca sốt xuất huyết, ngày 3/10 có 29 bệnh nhân vào viện, có 12 ca sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu cảnh báo.

Đặc biệt, trong mùa dịch năm nay ghi nhận rất nhiều bệnh nhân nặng. Chị Trương Hồng Nga ở TP. Hà nội vừa đưa mẹ vào đây điều trị cho biết, ngày 1/10 mẹ chị bắt đầu sốt, tiểu cầu lúc đó là 73 G/L, ngày hôm sau xuống 40 và đến ngày thứ 4 của bệnh tiểu cầu hạ còn 12.6 G/L. “Gia đình rất lo lắng vì bà tuổi cao, lại có bệnh nền là cao huyết áp nên khi tiểu cầu xuống thấp quá phải đưa đến bệnh viện ngay” - chị Trương Hồng Nga nói.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, trong thời điểm hiện nay, khi sốt người dân cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết để có biện pháp điều trị. Nhiều trường hợp có sốt nhưng không xuất huyết ngay từ những ngày đầu nên chủ quan cho rằng mình chỉ bị nhẹ, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Tuy nhiên "nhiều trường hợp đến đây trong tình trạng sốc và xuất huyết không dễ nhận biết nên đến muộn, khi cấp cứu tình trạng sốc rất khó khăn” – PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Ngoài ra, trung tâm cũng tiếp nhận một số trường hợp chuyển nặng do tuyến dưới chẩn đoán sai dẫn đến điều trị sai vì chưa chú ý phân loại bệnh nhân theo hướng dẫn mới nhất tại quyết định số 2760 (ngày 4 tháng 7 năm 2023) của Bộ Y tế. “Chúng tôi gặp 1 số trường hợp lẽ ra giai đoạn này phải truyền dịch cao phân tử thì lại cho truyền dịch bình thường hoặc giai đoạn tái hấp thu phải ngừng truyền dịch thì vẫn tiếp tục truyền, do đó bác sĩ ở các tuyến cần được cập nhật công tác chẩn đoán, điều trị theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế”.

Trong bối cảnh vẫn tiếp tục ghi nhận bệnh nhân nhập viện và bệnh nhân nặng tăng, PGS.TS. Đỗ Duy Cường lưu ý, các cơ sở điều trị cần tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh, đặc biệt là các dấu hiệu cảnh báo để phân loại bệnh nhân, bởi sốt xuất huyết khi có dấu hiệu cảnh báo sẽ diễn biến rất nhanh và rất nặng.

Hiện nay vẫn còn tình trạng bệnh nhân đến phải xếp hàng chờ đợi để được xét nghiệm, trả kết quả, trong khi đó diễn biến bệnh có thể chuyển nặng rất nhanh. Như vậy rất khó để phát hiện sớm những biểu hiện bệnh nặng vì có nhiều người không sốt nhưng chảy máu nội tạng, thoát huyết tương, cô đặc máu… rất khó phát hiện”. Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường các cơ sở cần mở rộng phạm vi điều trị, tăng cường sàng lọc, phân loại bệnh nhân, các trường hợp nặng phải điều trị hết sức tích cực và khẩn trương.

Ngoài nguyên nhân do tâm lý chủ quan của bệnh nhân và người nhà, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, năm nay do vướng mắc về thủ tục hành chính, về công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị nên hoạt động phòng dịch chưa chủ động, không phun thuốc diệt muỗi ngay từ đầu mùa dịch. Sự chưa chủ động này còn có một nguyên nhân nữa là do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở điều trị hiện khó khăn về dịch truyền hoặc các chế phẩm của máu như tiểu cầu, hồng cầu, một số nơi không đủ kít xét nghiệm để test nhanh chẩn đoán...

“Sốt xuất huyết là bệnh đã có từ nhiều năm nay, để phòng chống chúng ta phải chủ động, tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang bị động vì bệnh nhân vào viện rất đông, không có đủ giường bệnh, bệnh nhân phải nằm ghép” - PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.

"Năm nay, do không phun muỗi phòng bệnh ngay từ đầu mùa dịch, nên khó loại trừ hết các ổ dịch. Công tác phòng dịch cần phải được quan tâm hơn" - PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

Theo dõi và điều trị bệnh sốt xuất huyết cần lưu ý:

-Trong ngày đầu phát bệnh cần làm ngay các xét nghiệm cần thiết. Xét nghiệm công thức máu cần lưu ý 2 chỉ số quan trọng:

+Số lượng tiểu cầu: nếu tiểu cầu thấp < 100 G/L cần nhập viện theo dõi điều trị.

+Chỉ số hematocrit (hay còn gọi tắt là hct): Nếu hematocrit tăng cao 20% so với bình thường, tức là máu bị cô đặc.

- Giai đoạn sốt (từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 3):Bệnh thường không nặng, có thể điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

- Giai đoạn nguy hiểm: (Ngày thứ 4 đến ngày thứ 7): Nếu thấy mệt mỏi, đau bụng, chân tay lạnh, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, đi ngoài, đi tiểu ra máu... cần đến ngay cơ sở y tế để nhập viện.

Nhiều người không để ý đến tình trạng thoát huyết tương, cô đặc máu, chỉ để ý đến tình trạng sốt và xuất huyết. Khi đến viện đã đi vào sốc vì cô đặc máu. Điều trị ca bệnh sốc, cô đặc máu khó hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với những người chỉ bị hạ tiểu cầu đơn thuần” – PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.