Tiết kiệm thực phẩm - nghe qua có vẻ là chuyện nhỏ, chuyện riêng của mỗi gia đình. Nhưng thực tế, đây lại là hành động mang tác động xã hội sâu rộng: giảm rác thải, bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.
Theo Liên Hợp Quốc, lãng phí thực phẩm là một vấn đề toàn cầu, diễn ra ở nhiều mắt xích - từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng. Trong đó, gia đình là một trong những khâu dễ gây lãng phí nhất. Tại Việt Nam, điều này càng đáng báo động khi chúng ta đang nằm trong nhóm quốc gia lãng phí thực phẩm hàng đầu khu vực.
“Việt Nam xếp thứ hai sau Trung Quốc về lượng thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm, vào khoảng 3,9 tỉ đô la – tương đương 2% GDP. Một con số rất là khủng khiếp” – TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cảnh báo.
Vì sao một quốc gia chưa giàu như Việt Nam lại tiêu tốn lượng thực phẩm khổng lồ đến vậy? Câu trả lời không nằm ở đâu xa mà ngay trong bữa ăn hằng ngày.
Mỗi gian bếp một mắt xích gây lãng phí
Không khó để bắt gặp những khay thức ăn vẫn còn gần như nguyên vẹn sau mỗi buổi tiệc. Khi mọi người đã buông đũa, món ăn thừa được thu dọn nhanh chóng – nhưng không phải để tái sử dụng, mà phần lớn bị đem đổ bỏ.
“Mình làm nhà hàng, văn hóa người Việt Nam ta rất chi tôn trọng khách, họ đặt nhiều món, xong nhiều khi thừa là đổ đi” - một người làm bếp lâu năm chia sẻ

Lãng phí không chỉ xuất hiện ở nhà hàng, cỗ cưới, giỗ chạp, tiệc chiêu đãi... mà còn trong chính căn bếp gia đình. Một số phụ huynh vì muốn lo cho con không bị đói, không thiếu thứ gì nên mua quá nhiều thực phẩm, nấu quá nhiều món. Cuối cùng, món ăn được vài miếng, phần còn lại nằm trong tủ lạnh vài hôm rồi... ra thùng rác.
“Nhiều bữa đám cưới tôi thấy số lượng thực phẩm là không hết, có nhiều món hầu như họ không động đũa đến. Ở nhà cũng vậy, bố mẹ hay mua nhiều, nấu nhiều, con ăn có vài miếng rồi bỏ. Một – hai ngày sau lại đổ đi…” - ông Nguyễn Văn Cúc ở Nghệ An cho biết
Tiết kiệm thực phẩm không hề khó, nếu bắt đầu từ thói quen nhỏ
Lãng phí thực phẩm trong gia đình không phải là chuyện hiếm, và phần lớn bắt nguồn từ những thói quen tưởng chừng vô hại: nấu quá nhiều, mua dư quá mức hoặc để thực phẩm tồn lâu trong tủ lạnh đến mức phải đổ bỏ.
Không chỉ thừa từ bàn tiệc, thực phẩm còn bị lãng phí trong quá trình lên thực đơn, đi chợ và bảo quản. Chị Lê Ngọc Tú, giảng viên Trường Trung cấp nghề nấu ăn, nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội cho biết: với thực phẩm tồn trong tủ lạnh – nhất là rau, thịt, đồ chín, nếu không sử dụng kịp thời hoặc bảo quản không đúng cách, chúng rất dễ biến chất, phải bỏ đi trong tiếc nuối. Trong khi đó, một số loại thực phẩm hoàn toàn có thể được tận dụng hiệu quả nếu biết sơ chế lại hoặc chế biến khéo léo.
“Với rau, thịt, đồ chín… nếu biết cách bảo quản, sử dụng sớm thì tránh được rất nhiều trường hợp thực phẩm biến chất, phải bỏ đi rất tiếc.”

Ở góc độ người dạy nấu ăn chuyên nghiệp, chị Tú đặc biệt lưu ý đến khâu bảo quản và sử dụng thực phẩm tồn – nhất là với rau, thịt, đồ chín – những loại dễ biến chất nếu không được dùng đúng lúc, đúng cách:
Chị cũng nhấn mạnh việc lên thực đơn trước, tính khẩu phần hợp lý và tận dụng món ăn thừa là ba kỹ năng cơ bản nhưng hiệu quả để mỗi gia đình giảm lãng phí. Đây cũng là nội dung được lồng ghép vào giảng dạy thực hành cho học viên bếp – như một phần của tư duy làm bếp hiện đại – nấu ngon nhưng không lãng phí.
“Giá cả tăng cao, nếu không tính toán kỹ thì thực phẩm mua về để lâu cũng không còn tốt nữa. Mỗi người thay đổi một chút, cả xã hội sẽ bớt đi rất nhiều lãng phí.”
Thực tế, tiết kiệm thực phẩm không đồng nghĩa với ăn uống đạm bạc hay dè sẻn. Đó là việc mua vừa đủ, chế biến hợp lý, bảo quản khoa học và tận dụng hiệu quả. Theo chị Lê Ngọc Tú, người nội trợ hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều rất cụ thể, như kiểm tra tủ lạnh trước khi đi chợ, ghi chú ngày lưu trữ món ăn chín, ưu tiên sử dụng thực phẩm sắp hết hạn hoặc tận dụng nguyên liệu còn lại để sáng tạo món ăn mới cho ngày hôm sau.