Theo điều tra, mức sinh luôn cao hơn ở khu vực nông thôn và thấp hơn ở khu vực thành thị. Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, có đến 04 vùng mức sinh cao trên mức sinh thay thế, 2 vùng có mức sinh rất thấp dưới mức sinh thay thế. Vùng Đông Nam Bộ với thu nhập bình quân/người cao nhất cả nước lại là vùng có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con/phụ nữ; mức sinh cao nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 2,4 con/phụ nữ.
Trước thực tế này, TS Phạm Vũ Hoàng – Phó Cục trưởng Cục Dân số - Bộ Y tế - nhận định: việc duy trì mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững.
"Sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng trong hơn 6 năm qua, kể từ khi chúng ta thực hiện Nghị quyết số 21 thì sự chênh lệch này chưa được khắc phục đáng kể. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải có những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn trong thời gian tới", ông Phạm Vũ Hoàng nói.
Nếu như trước kia, Việt Nam chỉ tập trung thực hiện giảm sinh trên phạm vi toàn quốc thì hiện nay chúng ta đang phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phải đồng thời thực hiện nhiệm vụ giảm sinh ở nơi có mức sinh cao vừa phải thực hiện nhiệm vụ vận động, khuyến khích sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp và duy trì kết quả ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế. TS Phạm Vũ Hoàng cho biết: hiện nay Chính phủ đang thực hiện các nhóm nhiệm vụ chính, đó là: điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với từng vùng mức sinh; đẩy mạnh truyền thông, vận động thay đổi hành vi; đảm bảo phổ cập dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
"Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thì các điều kiện cần là đảm bảo nguồn lực cho Chương trình; sự phối hợp của các Bộ ngành và địa phương trong rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách và hướng dẫn thực hiện chính sách về lao động, việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế… nhằm vận động, khuyến khích người dân sinh đủ hai con", TS Phạm Vũ Hoàng bày tỏ.
Phân tích về tỷ suất sinh ở những địa phương cao nhất cả nước đều cho thấy đây hầu hết là những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, theo TS Phạm Vũ Hoàng, chúng ta vẫn cần tiếp tục bền bỉ và kiên trì với các giải pháp như là: tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con, khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; phổ cập dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân.
"Từ kinh nghiệm giảm sinh tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đều cho thấy: việc truyền thông, vận động, giáo dục kết hợp với cung cấp dịch vụ thường xuyên, liên tục phù hợp với từng vùng, đối tượng theo từng giai đoạn là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh", TS Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi đạt 2,09 con/ phụ nữ, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 Khóa VII năm 1993 đề ra. Tuy nhiên, trước những thách thức về mức sinh hiện nay, đòi hỏi những giải pháp mới, linh hoạt cho từng vùng. Bài học của một số nước khi buông lỏng quản lý đã làm cho mức sinh tăng cao trở lại, vượt mức sinh thay thế cũng là kinh nghiệm để Việt Nam tìm đến những giải pháp mang tính bền vững.
Xin mời nghe bài viết tại đây: