Khi đang theo dõi và điều trị huyết áp tại BV Trung ương Quân đội 108, ông Tô Văn Vĩnh – 74 tuổi lên cơn nhồi máu cơ tim cấp. Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ nhận thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn ở vị trí lỗ vào của thân trung động mạch vành trái. Động mạch vành phải cũng bị chít hẹp rất nặng. Với những trường hợp như thế này thường sẽ có chỉ định mổ mở. Bởi nếu can thiệp sẽ có rủi ro rất cao vì khi đưa dụng cụ can thiệp vào có thể gây tắc nốt động mạch còn lại và khiến dòng máu không thể đến nuôi tim, bệnh nhân sẽ ngừng tim ngay lập tức. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân lại không muốn phẫu thuật và đề nghị điều trị bằng phương pháp can thiệp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 đã quyết định can thiệp đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân và sử dụng ECMO “thức tỉnh”.

Bác sĩ Lưu Quang Minh, Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể, nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.

Trước đây, ECMO thường được sử dụng ở giai đoạn tương đối muộn, khi bệnh nhân đã rất nặng, bị sốc tim phải dùng thuốc an thần, thở máy. Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân Tô Văn Vĩnh, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định dùng ECMO ngay từ khi bệnh nhân còn tỉnh táo để can thiệp tim mạch.

“Chúng tôi lựa chọn giai đoạn bệnh nhân bắt đầu có những dấu hiệu sớm nhất của sốc, mới chỉ có một vài dấu hiệu ban đầu thôi và chúng tôi tiên lượng bệnh nhân sẽ ngừng tim trong quá trình can thiệp. Trong khi can thiệp, có lúc huyết áp tâm thu của bệnh nhân tụt sâu chỉ còn 50mmHg, nhịp tim giảm xuống chỉ còn 20 lần/ phút, lúc đấy là lúc bệnh nhân chuẩn bị ngừng tim rồi. Nếu chúng ta không đặt ECMO thì bệnh nhân sẽ rơi vào nguy hiểm. Nhưng chúng tôi đã đặt ECMO từ trước nên chỉ cần điều chỉnh huyết áp, nhịp tim trở lại bình thường và giúp các bác sĩ can thiệp một cách thong thả, nhẹ nhàng” - BS Lưu Quang Minh giải thích.

Bệnh nhân Tô Văn Vĩnh là trường hợp thứ 3 được các bác sĩ khoa Hồi sức tim mạch – BVTWQĐ 108 sử dụng ECMO “thức tỉnh” trong quá trình can thiệp tim mạch thời gian gần đây. Tuy nhiên, BS Lưu Quang Minh cũng nhấn mạnh, không phải bệnh nhân nào cũng được chỉ định dùng ECMO sớm mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc phải chẩn đoán chính xác và tiên lượng được diễn tiến, nguy cơ của người bệnh một cách sâu sát cũng như có sự cân nhắc kỹ càng để tránh lạm dụng kỹ thuật.

Cũng theo BS Lưu Quang Minh, ECMO “thức tỉnh” là một phương pháp rất mới trên thế giới cũng như tại Việt Nam. So với ECMO thở máy truyền thống, việc áp dụng ECMO “thức tỉnh” từ sớm giúp giảm tỷ lệ các biến chứng và cải thiện nguy cơ tử vong trong can thiệp tim mạch. “Trên thế giới việc áp dụng ECMO thức tỉnh mới chỉ khoảng vài chục ca. Qua nghiên cứu chưa đầy đủ, người ta có so sánh hai nhóm bệnh nhân đặt ECMO từ sớm và nhóm đặt muộn hơn (khi đã hôn mê) thì thấy tỉ lệ bệnh nhân ECMO thức tỉnh được cứu sống lên đến 70-80% trong khi nhóm bệnh nhân hôn mê thì tỉ lệ cứu sống chỉ khoảng 50%.” – BS Lưu Quang Minh thông tin thêm.

Bệnh viện TƯQĐ 108 là cơ sở y tế đầu tiên ở nước ta thực hiện ECMO “thức tỉnh” trong can thiệp tim mạch. Kỹ thuật này hứa hẹn đem đến nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả cao trong cấp cứu, điều trị cho người bệnh.