Khảo sát được thực hiện trên 1.009 thiếu niên tuổi từ 12-17, hiện đang học tại các trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông ở Hà Nội. Mục đích nhằm xác định tỷ lệ, tần suất sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên cũng như mức độ hiểu biết của giới trẻ về tác hại của các loại thuốc lá và hỗ trợ các nhà quản lý có thông tin tham khảo để từ đó đưa ra các biện pháp ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc với các loại thuốc lá.

Theo khảo sát, số học sinh 12 tuổi cho biết không sử dụng thuốc lá làm nóng, trong khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở lứa tuổi này là 9,7%. Ở nhóm học sinh 17 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao gấp hơn 3 lần thuốc lá làm nóng, lần lượt là 17,6% và 5,5%.

Tỷ lệ học sinh 17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử cao gấp hơn 3 lần thuốc lá làm nóng. Lứa tuổi 12 có 9,7% dùng thuốc lá điện tử, 0% dùng thuốc lá làm nóng.

Về tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá nói chung, khảo sát cũng cho thấy có đến 21,3% học sinh đã từng hoặc đang sử dụng ít nhất một loại thuốc lá. Trong số đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử với 18,4%; và ít phổ biến nhất là thuốc lá làm nóng với 4,5%.

Đặc biệt, trong 30 ngày gần nhất, có 16,2% học sinh đang hút thuốc, đa số là sử dụng thuốc lá điện tử. Tỷ lệ hút trong 30 ngày với thuốc lá làm nóng chỉ ở mức 3,2%.

Nguyên nhân tỷ lệ sử dụng thuốc lá làm nóng thấp hơn rất nhiều so với thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, nghiên cứu đánh giá rằng có thể do các loại thuốc lá điện tử vì giá rẻ hơn so với thuốc lá làm nóng.

Khảo sát cũng cho thấy, trên 96,8% học sinh được hỏi đều biết tác hại của các sản phẩm thuốc lá, trong đó các em đánh giá thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ít độc hại hơn so với thuốc lá điếu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu đã là người dưới 18 tuổi thì không được phép tiếp cận, thử, hoặc sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào, dù có hay không sự khác nhau về mức độ tác hại giữa từng loại sản phẩm thuốc lá.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế kiến nghị, cần dùng hành lang pháp lý để can thiệp vào tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở giới trẻ trong bối cảnh sản phẩm chưa được cho phép của Chính phủ nhưng lại được bán công khai, tràn lan từ cửa hàng đến trên mạng. Việc quản lý này bao gồm chính sách về quảng cáo, mua bán, phân phối trực tuyến, và trực tiếp.

"Khung pháp lý cần đi kèm với biện pháp xử phạt hợp lý, rõ ràng cho những trường hợp buôn bán sai đối tượng" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga đề xuất.

Cùng với đó là nâng cao nhận thức cho học sinh dưới 18 tuổi về việc không được phép sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào, cũng như về tác hại, hệ lụy của thuốc lá để phòng tránh. Việc giáo dục này cần có tính chất toàn hệ thống xã hội chứ không chỉ thuộc trách nhiệm từ nhà trường.

Ở góc độ luật pháp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ để ngăn ngừa giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới, vừa để ngăn cấm triệt để các chất gây hại, các chất cấm trá hình núp dưới vỏ bọc thuốc lá điện tử.

Bên cạnh đó, trong môi trường học đường có thể cân nhắc áp dụng hình phạt cao nhất là đình chỉ học tập cho lần vi phạm đầu tiên thay vì chỉ phạt cảnh cáo, và cả hình phạt nặng hơn nếu tái phạm.