“Hôm đấy tôi đưa bố tôi đi khám sức khỏe thông thường, chụp cắt lớp 128 dãy thì phát hiện phình động mạch chủ ở 3 điểm, có rỉ máu vào phổi, phải gọi xe cấp cứu đưa ông đi 108 ngay. Xe cấp cứu không dám đi nhanh, vì sợ đi vào chỗ xóc vỡ cái động mạch chủ thì có khi tử vong ngay trên đường…" - Chị Phạm Ngọc Anh ở Hà Nội kể lại tình trạng nguy cấp của bố chị là ông Phạm Viết Thanh 72 tuổi trước khi được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện TƯ Quân đội 108.

Theo TS.BS Ngô Tuấn Anh – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện TƯ Quân đội 108, bệnh nhân Thanh bị phình động mạch chủ ngực ở 3 điểm, đều là vị trí khó tiếp cận, nguy cơ bục vỡ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thông thường để cấp cứu những trường hợp bệnh lý mạch máu phức tạp như trường hợp của bệnh nhân Thanh, các bác sỹ sẽ phải tiến hành cưa xương ức, mở lồng ngực để cắt bỏ đoạn động mạch phình vỡ và ghép nối lại. Tuy nhiên, trên nền một bệnh nhân lớn tuổi, các biến chứng trong và sau mổ, cũng như khả năng phục hồi sẽ rất nặng nề, thậm chí có thể phải nằm liệt một chỗ. Do đó, lựa chọn tối ưu lúc này là kỹ thuật Hybrid, có nghĩa là phối hợp cùng lúc giữa phẫu thuật và can thiệp mạch.

“Với trường hợp này khi chưa có Hybrid sẽ khó mổ vì chưa chắc bệnh nhân đã qua được. Còn nếu mổ thì sẽ phải mở ngực, cắt đoạn mạch bị phình và ghép nối bằng mạch nhân tạo. Tuy nhiên mạch của bệnh nhân lúc này đã xơ, mùn rất khó để khâu vá trên đoạn mạch đó. Kỹ thuật Hybrid thì chỉ cần chuyển nhánh, làm cầu nối từ động mạch cảnh bên phải sang động mạch cảnh bên trái. Sau đó dùng một sten phủ lên chỗ phình vỡ đấy, chỉ mất 10 phút thôi. Như vậy tổng thời gian phẫu thuật và can thiệp đặt sten chỉ mất 2 tiếng là giải quyết được. Sau đó bệnh nhân phục hồi rất nhanh mà giảm thiểu nguy cơ biến chứng đi rất nhiều…” - BS Tuấn Anh phân tích.

Hiểu một cách đơn giản, thay vì cưa xương ức và mổ phanh để tiếp cận chỗ mạch máu bị phình vỡ, các bác sỹ chỉ cần rạch một đường nhỏ ở cổ của người bệnh, đưa dụng cụ phẫu thuật vào để tiến hành cầu nối giúp máu lưu thông từ động mạch cảnh phải sang động mạch cảnh trái. Đồng thời, đặt sten graf phủ lên đoạn động mạch bị phình vỡ. So với mổ mở, thời gian phẫu thuật được rút ngắn từ 8-10 tiếng xuống chỉ còn 2 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân không cần phải trải qua một cuộc đại phẫu nặng nề.

Chị Phạm Ngọc Anh, con gái bệnh nhân Thanh cho biết, bản thân chị đã chuẩn bị sẵn tâm lý có thể bố chị sẽ phải nằm liệt một thời gian do di chứng sau mổ. Tuy nhiên, chỉ sau mổ nửa ngày, ông Thanh đã hoàn toàn tỉnh táo và nói chuyện được.

“Chỉ sau nửa ngày ông đã được chuyển từ phòng vô trùng sang phòng hồi sức trong tình trạng tỉnh táo, nói chuyện được. Sau 1 tuần là bố được xuất viện. Giờ thì sức khỏe ông ổn rồi...”. Chị Ngọc Anh vui mừng chia sẻ.

Theo BS Ngô Tuấn Anh, để tiến hành kỹ thuật Hybrid – phối hợp giữa phẫu thuật và can thiệp mạch cần phải có bàn mổ Hybrid chuyên dụng, với các dụng cụ hỗ trợ đồng thời cả phẫu thuật và can thiệp mạch. Với bàn mổ Hybrid, không chỉ những trường hợp phình động mạch chủ được điều trị thành công nhờ kỹ thuật này mà rất nhiều bệnh lý mạch máu phức tạp khác cũng được áp dụng. Đơn cử như những trường hợp bị tắc động mạch chi sẽ được xử trí triệt để thay vì nguy cơ phát cắt cụt chi như trước.

Ưu thế nổi bật của phẫu thuật Hybrid điều trị các bệnh mạch máu phức tạp so với phương pháp phẫu thuật hay can thiệp đơn thuần truyền thống là cho phép tiếp cận và xử lý tổn thương một cách triệt để, hiệu quả phục hồi lưu thông mạch máu cao trong khi tỷ lệ biến chứng lại thấp hơn phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân; tránh được các biến chứng do mở ngực, mở xương ức, gây mê, chạy máy tim phổi…

Bệnh viện TƯ Quân đội 108 là một trong số ít bệnh viện ở nước ta triển khai được kỹ thuật Hybrid từ năm 2017. Đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh lý mạch máu phức tạp được hưởng lợi từ kỹ thuật này.