Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, trước ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi khám chữa bệnh trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Từ 1/1/2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc. Tức là dù thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, huyện, nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Quy định này không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú.

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chính sách sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. Người bệnh có thẻ BHYT do các tỉnh phát hành, lên TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh làm việc, nếu chẳng may ốm đau, phải nằm viện điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh thì vẫn được BHYT chi trả mà không mất công về quê; hay phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên…

Cùng với việc tạo điều kiện cho người dân chủ động lựa chọn, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh, chính sách này cũng tạo động lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến y tế. Các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải nâng cao chất lượng để giữ bệnh nhân. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, bệnh nhân là người được hưởng.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Phúc cũng cảnh báo, nguy cơ các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi có nhiều bệnh nhân dồn lên tuyến tỉnh, trong khi nhân lực, vật lực của nhiều bệnh viện tuyến tỉnh còn đang thiếu. Có thể xảy ra xu hướng chỉ định điều trị nội trú kể cả với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, chưa thực sự cần thiết điều trị nội trú cũng đưa vào. Điều này dễ dẫn đến quá tải giường bệnh, gây khó khăn cho sinh hoạt của bệnh nhân.

Theo tính toán của BHXH Việt Nam dựa trên số liệu bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến của năm 2020, với hơn 1,072 triệu lượt bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả 60%, chi phí KCB BHYT chi trả đã vượt 1.250 tỷ đồng. Khi chính sách thông tuyến có hiệu lực, nếu cũng với số lượng bệnh nhân đó được Quỹ chi trả toàn bộ, chi phí BHYT sẽ tăng lên hàng nghìn tỷ đồng.

Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc nhấn mạnh, tâm lý người bệnh luôn muốn lên tuyến trên cho yên tâm, nhưng chỉ định điều trị lại là quyền của bác sĩ. Bệnh nhân thực sự cần điều trị nội trú thì chỉ định nội trú. Nếu bệnh có thể điều trị ở tuyến huyện, xã cũng nên nói rõ, không nhất thiết phải lên tuyến trên. Bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát lại số giường bệnh, việc kê thêm giường có đúng quy định hay không, bởi có bệnh viện kê thêm hàng nghìn giường.

BHXH Việt Nam - cơ quan quản lý Quỹ BHYT - sẽ giám sát chặt chẽ, có biện pháp ngăn ngừa nếu phát hiện bệnh nhân nhẹ vẫn được chỉ định điều trị nội trú, hoặc có tình trạng lôi kéo người bệnh, thu hút để đưa vào điều trị nội trú.