Trả lời phóng viên VOV2, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khi tiêm bất kỳ một loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nào, chẳng hạn như cúm không có nghĩa là người tiêm sẽ không mắc cúm. Nguy cơ mắc bệnh khi đã tiêm vắc xin vẫn xảy ra.

Hơn nữa, theo PGS Nguyễn Huy Nga, vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin mới, thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu nên đến thời điểm này chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không.

Với vắc xin Astrazeneca, hiệu quả bảo vệ theo như công bố khoảng 70%, chưa nói đến kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm. “Kỹ thuật tiêm không tốt cũng có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Về vấn đề này, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện Trưởng Viện VSDT TW cũng khẳng định, không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ tuyệt đối. Hơn nữa, việc tạo kháng thể sau tiêm cũng khác nhau ở từng cá thể, vì thế vẫn có 1 tỷ lệ nhỏ những người sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 nhưng vẫn mắc bệnh.

Thực tế tại nước ta cũng cho thấy, 55 nhân viên y tế mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW đều không có triệu chứng bất thường. Như vậy, dù nhiễm SARS-CoV-2, nhưng vì đã tiêm vắc xin nên lượng virus trong một thể tích máu cơ thể thấp, các biểu hiện triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với người không tiêm và đặc biệt khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh rất thấp.

Tuy vắc xin không bảo vệ tuyệt đối nhưng PGS.TS Dương Thị Hồng khẳng định, đây là biện pháp phòng bệnh chủ động cực kỳ quan trọng giúp chúng ta có thể sớm quay trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường.