Ông Vũ Văn Bằng đang điều trị tại Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết: thời điểm hiện tại thì số giường bệnh đang đủ, nhưng tháng trước ông nằm viện thì bệnh nhân rất đông.

Thời điểm đó, ông nằm điều trị tại Khoa Ung bướu được 3 ngày phải xin về vì có đến 3-4 bệnh nhân 1 giường, toàn là những bệnh nhân yếu, phải nằm truyền.

Bệnh viện Thanh Nhàn với quy mô trên 1.200 giường bệnh có nhiệm vụ tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội, chủ yếu theo diện bảo hiểm y tế.

Hiện nay, trên toàn thành phố Hà Nội có tổng số gần 23 nghìn giường bệnh. Nếu tính theo tỷ lệ số giường bệnh trên 1 vạn dân thì cần bổ sung thêm trên 4000 giường.

Đây chính là lý do cho sự thiếu hụt cục bộ về giường bệnh của bệnh viện Thanh Nhàn và một số bệnh viện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Vấn đề giường bệnh trở nên áp lực hơn rất nhiều tại các bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh Việt Đức dù đã rất cố gắng nhưng vẫn luôn rơi vào tình trạng thiếu giường. Vì thế những trường hợp phải nằm cáng để chờ giường như bệnh nhân Phạm Thị Lệ, ở Lục Ngạn, Bắc Giang không phải là hiếm.

“Tôi nằm ngoài cáng ở ngoài hành lang vì bệnh viện quá tải. Sau đó 1-2 ngày thì được vào giường”, chị Lệ cho biết.

Là một bệnh nhân bị tai nạn giao thông nặng, nát 1 bên chân trái với 4 phần gãy rời, chị Lệ phải trải qua 3 lần phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức và lần nào sự khó khăn về giường bệnh cũng diễn ra.

Tỷ lệ giường bệnh là một trong số những tiêu chí về đảm bảo an sinh xã hội của một quốc gia hay một địa phương, cũng là tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người bệnh.

Năm 2015, trước tình trạng bệnh nhân nằm ghép 3-4 người 1 giường, Chính phủ đã thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện với cam kết “không để người bệnh nằm ghép”.

Thế nhưng sau nhiều năm nỗ lực, mở rộng giường bệnh vẫn là vấn đề nan giải đối với các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến trung ương.

Bệnh viện Bạch Mai đang đối mặt với áp lực khoảng trên 4 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày trong khi tổng số giường bệnh tối đa là 3.600. Vì vậy, tăng giường bệnh vẫn luôn là mục tiêu đặt ra hàng năm của bệnh viện.

TS.BS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: hiện nay bệnh viện đã cải tiến quy trình khám chữa bệnh đảm bảo hợp lý, đơn giản, thuận tiện, tránh phiền hà cho bệnh nhân, đảm bảo là giải quyết hết số lượng bệnh nhân đến khám trong ngày.

Để giảm áp lực giường bệnh, bệnh viện cũng tăng cường mô hình điều trị ngoại trú, xây dựng mô hình câu lạc bộ bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, Đái tháo đường, COPD, Lupus ban đỏ hệ thống...

Ngoài ra, vấn đề phân tuyến cũng được TS.BS Nguyễn Thị Lan Anh nhắc đến như một biện pháp căn bản để giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nâng cao chất lượng điều trị các tuyến cơ sở, người bệnh sẽ không vượt tuyến, chuyển tuyến và những bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai cũng giảm bớt áp lực tiếp nhận và điều trị.

Ngoài những biện pháp chung, theo bác sỹ Lan Anh, còn có những việc áp dụng trong nội bội bệnh viện như: sắp xếp lại giường bệnh tại các đơn vị điều trị, cải tạo, thu hẹp phòng làm việc của bác sỹ, nhân viên y tế, phòng họp để dành diện tích cho giường bệnh.

“Bệnh viện cũng nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị để giảm ngày điều trị trung bình và quay vòng bệnh nhân nhanh”, TS.BS Nguyễn Thị Lan Anh nói thêm.

Theo thông tin mới nhất, bệnh viện Bạch Mai đã trình Chính phủ, Bộ Y tế kế hoạch xây dựng tòa nhà A1 (tòa nhà thấp tầng được xây dựng từ thời kỳ đầu). Nếu được chấp thuận sẽ giảm tải rất nhiều cho vấn đề thiếu giường bệnh hiện nay.

Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II tại Hà Nam cũng đã sẵn sàng đi vào hoạt động, chỉ chờ Quyết định từ cấp trên. Đây cũng là một phương án giải quyết căn bản và lâu dài cho thực trạng quá tải bệnh viện hiện nay.

Mục tiêu đặt ra trong nghị quyết 20-NQ/TW là 30 giường bệnh/1 vạn dân năm 2025 và 32 giường bệnh/1 vạn dân đến năm 2030.

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ này vẫn còn thấp và có sự khác biệt giữa các vùng. Cụ thể, vùng Tây Nguyên mới đạt 21,8 giường bệnh, Đồng bằng sông Cửu Long là 24,3 giường bệnh.

Số giường bệnh cho nhu cầu sử dụng trong tương lai là một trong các tiêu chí để xem xét việc quyết định đầu tư mở rộng và đầu tư mới cơ sở y tế.

Xin mời nghe bài viết tại đây: