Dấu hiệu trẻ bị hóc dị vật đường thở

Đầu tiên trẻ ho sặc sụa, bắt đầu khó thở, khó nói. Một số trẻ sẽ có dấu hiệu tím tái mặt, môi và các đầu ngón tay, ngón chân vì thiếu oxy và trẻ sẽ bắt đầu lịm dần đi.

Một số trẻ lớn hơn hoặc người lớn thường có dấu hiệu rất đặc trưng, đó là tay bám vào cổ họng.

Tuy nhiên, việc trẻ bị hóc dị vật thường xảy ra sau khi ăn hoặc sau khi chơi với những đồ chơi nhỏ. Nếu như trẻ có những dấu hiệu như trên, cha mẹ cần nghĩ ngay đến khả năng con mình bị hóc dị vật đường thở.

Tận dụng thời gian vàng để sơ cứu trẻ bị hóc dị vật đường thở

Hóc dị vật đường thở là một tai nạn khẩn cấp. Đối với người lớn hay người trưởng thành bình thường, việc nín thở từ 1-2 phút đã là rất khó khăn. Trong trường hợp này, người sơ cứu chỉ có từ 1 đến 2 phút để cứu sống nạn nhân này. Lúc này, cha mẹ hay ông bà cần phải thật bình tĩnh, làm nhanh, chính xác những động tác sau đây:

Vỗ vào giữa hai xương bả vai của trẻ bằng cườm bàn tay. Vỗ thật mạnh 5 cái, vỗ hướng từ trên xuống dưới, từ sau ra trước. Phải vỗ thật mạnh, không sợ trẻ đau, phải làm nhanh, chính xác để dị vật có thể tống ra ngoài hoặc dị vật có thể bị vỡ ra để trẻ có thể thở được.

Nếu khi thực hiện 5 lần vỗ lưng mà trẻ chưa có biểu hiện thở tốt, người sơ cứu có thể dùng ngón tay ấn vào vị trí giao điểm của đường nối hai núm vú và đường giữa ngực, dịch xuống một chút và ấn mạnh 5 lần.

Cứ làm đi làm lại 5 lần vỗ lưng, 5 lần ấn ngực cho đến khi nào mà trẻ có dấu hiệu thở được trở lại bình thường. Một điều lưu ý, khi sơ cứu một trẻ em hoặc người lớn bị hóc dị vật đường thở, mục tiêu là giúp cho người đó thở được trở lại chứ không phải là tống được di vật ra ngoài. Đừng cố gắng tống dị vật ra ngoài mà hãy cố gắng làm sao cho trẻ hoặc là người bị nạn thở được trở lại.

Sau khi trẻ thở lại được nhưng không thể chắc chắn là dị vật đã được tống ra ngoài hay bị vỡ ra và rơi vào hai bên lá phổi. Vì vậy, ngay sau khi sơ cứu xong, cần đưa nạn nhân đến bác sĩ để khám lại.

Những cách sơ cứu sai lầm

- Móc họng để kéo dị vật ra: thực tế dị vật đang chẹn đường khí quản và rất sâu bên trong,tay người lớn rất khó cho vào để móc dị vật ra. Việc móc họng có chăng chỉ tác dụng với hóc đường ăn, thực quản thôi.

- Vuốt xuôi: cách làm này thậm chí có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở.

- Dốc ngược trẻ: dị vật mắc rất chặt ở khí quản, dốc ngược trẻ không thể khiến nó rơi ra được. Dốc ngược trẻ thậm chí có dẫn đến một tại nạn nguy hiểm khác đó là làm tuột trẻ.

- Cho trẻ ăn hay uống ngay sau khi thấy trẻ có dấu hiệu hóc dị vật đường thở: trẻ đang bị nghẹn ở đường thở, đường khí quản, không phải đường thực quản.

Tất cả những sai lầm trên đều phạm vào 1 việc, đó chính là mất thời gian vàng ngày lúc đầu để sơ cứu đúng cách để giúp trẻ vượt qua nguy hiểm.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Luôn cho trẻ ăn đúng cách, không cho trẻ ăn khi khóc và khi trẻ đang cười đùa, đặc biệt không cho trẻ vừa ăn vừa xem ti vi hay vừa ăn vừa nghịch điện thoại vì làm trẻ sao nhãng. Thói quen cho trẻ đi ăn rong cũng không được khuyến khích. “Khi cho trẻ ăn, các bậc phụ huynh cố gắng tập trung vào việc ăn thôi”, BS Cường khuyên.

Phụ huynh cần cẩn thận khi cho trẻ ăn những đồ ăn mà có những hạt nhỏ như na, vải, nhãn, chôm chôm. Với những quả này, cha mẹ nên bóc sẵn cùi, loại bỏ hạt ra và không cho trẻ chơi những hạt này. Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ, thạch là một ăn khá nguy hiểm vì loại thực phẩm này trơn, mềm, khi trẻ ăn thường hay bị nuốt chửng và rơi vào đường khí quản, gây ra bít tắc, hóc dị vật đường thở.

Không cho con chơi đồ chơi có kích thước nhỏ như lego, đồng xu, hay viên pin.

Cuối cùng, cha mẹ phải có ý thức học những khóa học về sơ cứu, trong đó có các nội dung về sơ cứu hóc dị vật đường thở để phòng bị.

Nghe chương trình ở đây: