Đầu năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, cùng với đó là các yêu cầu về phong tỏa, hạn chế đi lại rất chặt chẽ từ phía chính quyền vào thời điểm đấy. Vậy nên, chị Nguyễn Thị Tuyền (Gia Lâm, Hà Nội) không còn cách nào khác phải hoãn tiêm mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản.

Dịch kéo dài, rồi cuốn theo nhiều việc gia đình, thế nên mũi tiêm này đã bị cho vào quên lãng. Chỉ đến khi nghe tin về một số trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản và biến chứng nặng, cùng lời cảnh báo về việc không tiêm chủng vaccine, chị Tuyền mới giật mình cho con đi tiêm bù, sau gần 3 năm.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Bác sỹ Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Tiêm chủng (BV Đại học Y HN) cho biết: năm 2020, trên thế giới có 22,7 triệu trẻ em chưa được tiêm các mũi vaccine cần thiết, tăng 3,7 triệu trẻ so với năm 2019 và là con số cao nhất kể từ năm 2009.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiêm chủng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Hơn 20 loại vắc xin được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: lao, bạch hầu ho gà uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, Sởi, Rubella, Uốn ván...

Đặc biệt, tỷ lệ uống vaccine bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 90%. Dẫn đến nhu cầu sử dụng các vaccine này giảm so với kế hoạch, tăng số lượng tồn dư vaccine dẫn đến phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng.

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW, do ảnh hưởng COVID-19, nhiều địa phương tạm dừng tiêm chủng thường xuyên, dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng nhiều loại vaccine ở mức thấp nhất trong 20 năm qua. Điều này tạo ra các khoảng trống miễn dịch ở trẻ em và dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh sau đại dịch.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Thành, trong thời gian vừa qua, các cơ sở y tế ghi nhận trẻ nhập viện do mắc cúm A, cúm B, sốt virus, tay chân miệng, thủy đậu…khiến các cơ sở khám chữa bệnh Nhi khoa trên toàn quốc luôn trong tình trạng quá tải. Bên cạnh các “khoảng trống miễn dịch”, tình trạng “nợ miễn dịch” hậu COVID-19 làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em.

Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên. Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 trước đây như giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang,... cũng góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh thông thường. Mặc dù các biện pháp này đem lại những tác dụng có lợi ngắn hạn nhưng khi các biện pháp ngăn ngừa này không còn phổ biến, trẻ quay lại trường học, tham gia các hoạt động ngoài trời và các hoạt động cộng đồng thì nguy cơ bùng phát các bệnh thông thường do virus và vi khuẩn sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó việc mắc COVID-19 làm suy giảm miễn dịch cơ thể con người. Dù mắc COVID-19 có triệu chứng hay không có triệu chứng thì đáp ứng miễn dịch của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Nhiễm COVID còn gây giảm số lượng hoặc chức năng tế bào trình diện kháng nguyên. Thậm chí còn gây tăng các phản ứng viêm quá mức, đặc biệt tại đường hô hấp, khiến đe dọa đến tính mạng của trẻ. Bên cạnh đó, sự suy giảm miễn dịch do COVID-19 còn gây khó khăn trong đào thải virus và chống nhiễm trùng thứ phát.

Mới đây, một quốc gia thuộc Đông Nam Á là Philippines đã ghi nhận ca mắc bại liệt đầu tiên ở nước mình kể từ năm 2001. Cùng với tỷ lệ tiêm vaccine phòng bại liệt thấp, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do virus biến đổi di truyền.

Trước thực tế này, bác sỹ Nguyễn Văn Thành cho rằng, cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể các vaccine theo lứa tuổi đặc biệt là vaccine lao, bạch hầu ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella, viêm não nhật bản. Đồng thời triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao.

Bác sỹ cũng khuyến cáo: nguyên tắc trong tiêm chủng là đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi. Người đi tiêm không tiêm sớm trước lịch tiêm chủng. Nếu trường hợp không được tiêm chủng đúng lịch thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó. Trong trường hợp lỡ chưa được tiêm vaccine có thể đến tiêm các mũi bổ sung nếu còn thiếu được.