Kết quả chụp cộng hưởng từ của ông N.N.T tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, khối u của bệnh nhân đã bị hoại tử phần trung tâm, tổn thương xâm lấn cơ cắn, chèn ép cơ ức đòn chũm trái, đè đẩy bó mạch cảnh cùng bên, ngoài ra còn có một số hạch rải rác vùng cổ trái. Khối u đã xâm nhiễm ra da gây hoại tử chảy máu, chảy dịch liên tục.

Sau khi khám, TS.BS. Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ đã quyết định phẫu thuật ngay lập tức cho bệnh nhân. “Sau khi giải phẫu bệnh mới có thể xác định khối u là lành tính hay đã ác tính hóa nhưng việc để phát triển đến kích thước lớn như vậy sẽ dính vào các tổ chức lân cận, cùng việc bệnh nhân đã cao tuổi khiến cuộc mổ đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến như chảy máu, liệt thần kinh mặt” – TS.BS Đàm Trọng Nghĩa cho biết.

Nhận định khối u xuất phát từ tuyến mang tai, xâm lấn nhiều cơ quan bó mạch cảnh, dây thần kinh số 7, thần kinh tai lớn, có những mạch máu tăng sinh lớn to bằng ngón tay gây chảy máu trong quá trình cắt u nên trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã dùng các phương tiện cầm máu phẫu tích để bảo tồn mạch cảnh mạch máu quan trọng, dây thần kinh mặt.

Cuối cùng, khối u nặng gần 1 kg được lấy ra đã để lại lỗ khuyết hổng lớn, thiếu vạt da, bác sĩ phẫu thuật phải xoay vạt da tại chỗ để tạo hình. Kết quả xét nghiệm sau mổ thì khối u có ổ ung thư hóa bên trong nên bệnh nhân sẽ phải tiếp tục điều trị tránh tái phát.

Theo TS.BS. Đàm Trọng Nghĩa, nếu bệnh nhân đi khám và điều trị sớm, không để khối u phát triển to như vậy thì chỉ cần một cuộc phẫu thuật nhỏ, bệnh sẽ khỏi thay vì cuộc đại phẫu như vừa qua.

TS.BS Đàm Trọng Nghĩa khuyến cáo người bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ, không nên chủ quan với những khối u lành tính vì nếu không điều trị, khối u phát triển cũng có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Nếu phát hiện u tuyến mang tai thì nên đến các cơ sở ung bướu uy tín để chẩn đoán chính xác. Nếu khối u trên 1 cm thì nên phẫu thuật để điều trị sẽ thuận lợi hơn, tránh tai biến do phẫu thuật cũng như nguy cơ ung thư.